“Quê Nghèo” – Tình yêu son sắt dành cho quê hương trong nhạc Phạm Duy
Những ca khúc kháng chiến ca dường như là mối tình đầu của nhạc sĩ Phạm Duy. Trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp khói lửa, ai cũng đã lên đường với một trái tim hừng hực khí thế, bước chân vào cuộc chiến đấu giành lại độc lập dân tộc với nhiệt huyết và lý tưởng đẹp. Ai có súng cầm súng nhưng người nghệ sĩ ngoài có súng còn có thêm cây đàn, lời hát.
Những khúc ca thời kháng chiến của nhạc sĩ Phạm Duy là một kho tàng phong phú và đặc sắc. Âm nhạc Phạm Duy gắn với những mảnh đời gần gũi trong đời sống thực, gắn chặt với đất đai, ruộng đồng, bờ tre, đường làng, ngọn khói.
Những lời tự tình non nước thấp thoáng trong ca từ của âm nhạc Phạm Duy. Những làng quê nghèo Việt Nam vốn thanh bình, nay lại phải buông cày cầm súng chống ngoại xâm như thưở ông cha dựng nước lúc trước.
Lúc này, kháng chiến ca của nhạc sĩ Phạm Duy gắn với một đời lịch sử, gắn với một giai đoạn bi tráng hào hùng của dân tộc Việt Nam. Nhạc sĩ Phạm Duy là người góp phần không nhỏ vào việc thừa kế đặt nền móng cho sự phát triển của dân ca Việt Nam.
Giờ đây, nhìn lại lịch sử nói chung và lịch sử âm nhạc Việt Nam nói riêng, chắc hẳn ai cũng sẽ nhớ đến ca khúc “Quê Nghèo” của nhạc sĩ Phạm Duy – Một trong những bản nhạc về quê hương hay nhất.
Bằng âm nhạc, ông đã lột tả được khung cảnh một miền quê nghèo bằng những ca từ thần kỳ, giai điệu bình dị mà thấm đẫm lòng người.
Ca khúc “Quê Nghèo” được sáng tác vào thời kỳ kháng chiến chống Pháp năm 1948 khi nhạc sĩ Phạm Duy có chuyến đi ngang vùng đất nghèo miền Trung – Vùng Bình Trị Thiên. Vào thời kỳ kháng chiến chống Pháp, vùng Bình Trị Thiên năm xưa bao gồm 3 ba tỉnh: Quảng Bình – Quảng Trị – Thừa Thiên Huế.
Vùng Bình Trị Thiên lúc này vào thời kì kháng chiến chống Pháp đang chìm trong lửa đạn chiến tranh, dải đất hình chữ S lúc này đang mang gắn số phận bao mùa bão lũ.
Năm 1948, nhạc sĩ Phạm Duy lúc đó vẫn đang ở trong hàng ngũ Việt Minh. Ông tham gia xung phong vào một hành trình rất gian nan đó là dấn bước hiểm nguy để đi từ Thanh Hóa vào đến Bình Trị Thiên trong vòng 6 tháng.
Trong chuyến đi này, ông vừa biểu diễn văn nghệ, vừa sáng tác phục vụ quần chúng. Những ca khúc nổi tiếng hàng loạt được ra đời thời điểm này trong chuyến đi gồm có: “Bao giờ lấy được đồn Tây” (sau đổi tên thành “Quê Nghèo” là viết cho tỉnh Quảng Bình), “Bà mẹ Gio Linh” – viết cho tỉnh Quảng Trị và “Về Miền Trung” viết cho Thừa Thiên Huế.
Bài hát “Bao giờ lấy được đồn Tây” vì hoàn cảnh chính trị, bị lãnh đạo “phê bình” mang nội dung tiêu cực nên nhạc sĩ Phạm Duy đã sửa tên thành bài hát “Quê Nghèo”. Phần lời và ca từ trong bài hát cũng được chỉnh sửa lại cho phù hợp hơn.
Ở phần chỉnh sửa này, ông không xoay quanh một cuộc chiến tàn khốc, những câu chuyện thương tâm trên mảnh đất miền Trung. Ở “Quê Nghèo”, ông đi sâu vào khắc họa bức tranh của vùng đất nghèo nàn chốn làng quê:
Làng tôi không xa kinh kỳ sáng chói
Có những cánh đồng cát dài
Có luỹ tre còm tả tơi
Ruộng khô có nhưng ông già rách vai
Cuốc đất bên đàn trẻ gầy
Có người bừa thay trâu cày
Đoạn mở đầu là là mở đầu với giọng điệu trầm buồn, da diết. Ngay từ lời giới thiệu, chúng ta đã có thể hình dung được một vùng quê với cánh đồng, với đàn trâu và lũy tre làng.
Thế nhưng, vì là làng quê nghèo nên lũy tre ấy đã “còm tả tơi”. Phủ lên làng quê là hình ảnh những cụ già rách vai. Thay vì chống gậy trên đường làng quanh co thì họ phải cuốc đất cùng “đàn trẻ gầy”. Câu cuối bài hát là một tiếng kêu thống thiết đến đau lòng “Có người bừa thay trâu cày”. Còn gì nghèo hơn như thế nữa.
Bình minh khi sương rơi mờ trên rẫy
Thấp thoáng bóng người bên ngòi
Tát nước với giọt mồ hôi
Chiều rơi thoi thóp trên vài luống khoai
Hiu hắt tiếng bà mẹ cười
Vui vì nồi cơm ngô đầy…
Một ngày ở vùng quê nghèo diễn ra như thế nào? Nhạc sĩ Phạm Duy đã dần dần gợi mở, đưa người nghe lần lượt từ hình ảnh bình minh lên cho đến khi chiều xuống. Những “giọt sương rơi mờ trên rẫy” chính là nét tinh tế của nhạc sĩ Phạm Duy. Với tâm hồn nhạy cảm, tinh tế của mình, một “giọt sương rơi mờ” vẫn đủ để ông cảm nhận được và đưa nó vào lời ca tiếng hát.
Tiếp đó là hình ảnh những bóng người tát nước bên ngòi từ sáng sớm. Giữa một bức tranh cơ cực của vùng quê nghèo vẫn ánh lên đâu đó những mộng mơ, niềm hy vọng, đợi chờ. Như nụ cười “hiu hắt” của người mẹ khi hoàng hôn buông xuống, bên cạnh nỗi mệt nhọc là niềm vui với nồi cơm độn ngô đầy.
Cũng là tát nước, nhưng hình ảnh tát nước dưới đêm trắng trong thơ ca được thể hiện đầy lãng mạn với 2 câu:
“Hỡi cô tát nuớc bên đàng
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi”
Nhưng ở đây, với “Quê Nghèo”, hình ảnh tát nuớc lại gắn liền với mồ hôi nhỏ giọt. Buổi chiều hoàng hôn luôn được khắc họa bằng bức tranh bầu trời hồng rực, chiều tà, hoàng hôn buông ánh vàng. Ấy vậy mà, đến cả ánh nắng chiều của một vùng quê cũng “thoi thóp trên vài luống khoai”.
Hình ảnh được khắc họa đầy xót thương, bi thảm mà nhói buốt trong lòng người nghe khi người dân ở đây vui vì một nồi cơm ngô độn đầy. Những ngày tháng kháng chiến khốc liệt được đưa vào những sáng tác của nhạc sĩ Phạm Duy đầy đau xót và lay động lòng người. Họ không phải vui vì lúa trĩu đầy đồng, mà vui chỉ vì nồi cơm độn ngô cả nhà cùng ăn.
Bao giờ cho lúa được mùa luôn, lúa ơi
Để cho cô con gái không buồn vì gió Đông
Bao giờ cho lúa về đầy sân, hỡi em (lúa ơi)
Để cho anh trai tráng được gần người gái quê.
Từ những hình ảnh xót thương, đau buồn được khắc họa trong bức tranh của một vùng quê nghèo. Đến phần điệp khúc, nhịp điệu bài hát trở nên vui tươi hơn khi nhắc đến ước mơ bình dị của những người dân quê. Họ không mơ ước điều gì quá xa vời, lớn lao.
Họ chỉ cầu xin, ôm ấp những hy vọng rất bình dị nhưng đầy nhân bản: “xin cho được mùa lúa”, “xin cho cô con gái không buồn vì gió đông”, “xin cho lúa về đầy sân”. Ở đây, nhạc sĩ Phạm Duy đã bắt đầu đưa vào những nét thi vị, sự lãng mạn trong tình cảm lứa đôi vào bài hát “để cho anh trai tráng được gần người gái quê”.
Làng tôi luôn luôn vương vài đám khói
Những mái tranh buồn nhớ người
Xơ xác điêu tàn vì ai
Nửa đêm thanh vắng không một bóng trai
Có tiếng o nghèo thở dài
Vỗ về trẻ thơ bùi ngùi
Nỗi buồn man mác, nhẹ nhàng xuất hiện trong những câu hát này. Một khung cảnh buồn đến “mái tranh” cũng buồn nhớ người, “xơ xác điêu tàn vì ai”. Nhạc sĩ Phạm Duy đã đưa vào đó những ca từ mang đậm chất chân quê, bình dị, đi vào lòng người với “tiếng o nghèo thở dài”, vỗ về trẻ thơ bùi ngùi”.
Nhạc sĩ Phạm Duy đã từng chia sẻ rằng những vùng quê miền Trung ông đi qua hầu như vắng bóng những chàng trai. Bởi trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, những chàng trai đã lên đường nhập ngũ, số còn lại thì không còn sau những trận giặc quét. Do đó, ông luôn chứng kiến cảnh tượng bức tranh vùng quê “Nửa đêm thanh vắng không một bóng trai”.
Từ khi đau thương lan tràn sông núi
Quê cũ đã nghèo lắm rồi
Thêm đói thêm sầu mà thôi
Nằm mơ, mơ thấy trăm họ tốt tươi
Mơ thấy bên lề cuộc đời
Áo dài đùa trong nắng (tiếng) cười…
Đến đây, nhạc sĩ Phạm Duy đã đưa người nghe vào vào sâu hơn những vùng quê. Trong những ngày kháng chiến trường kỳ, vùng quê chìm trong khói lửa bom đạn, lại càng thêm đói thêm sầu. Nhưng ở đây, nhạc sĩ Phạm Duy đã gợi lên một hình ảnh thực tế “trăm họ tốt tươi”. Phải chăng đó chính là những khát vọng sống bình dị nhất, nhỏ nhoi nhất của con người chân quê.
Phải chẳng trước những tình cảnh này, họ không thể làm gì khác ngoài việc hy vọng, ôm mơ. Ở vùng quê, những buổi hội hè sung túc, những buổi họp làng, hình ảnh áo dài mới xuất hiện. Những tiếng cười đùa lúc này không chỉ đùa trong ánh nắng mà còn trong cả những tiếng cười vui.
Hình ảnh và âm thanh xuất hiện trong câu hát này hòa quyện với nhau làm một khiến người nghe dễ dàng mường tượng được một niềm hy vọng bình dị nhất của những người dân thời kháng chiến.
Bao giờ em trở lại vườn dâu, hỡi em
Để cho anh bắc gỗ, xây nhịp cầu (anh) bước sang
Bao giờ cho nối lại tình thương, hỡi ai
Để em ra bến vắng, đón người người (chàng chàng) chiến binh.
Ca khúc “Quê Nghèo” được vang lên ở đoạn này này và được bồi đắp bằng tình yêu đôi lứa. Những câu hỏi bao giờ hàng loạt được đặt ra mang đến cho người nghe một sự bồi hồi rung cảm đến tận tâm can. Đến bao giờ mới thôi những cảnh khói bom đạn lửa để anh và em lại được “xây nhịp cầu bước sang”, để “nối lại tình thương” đôi lứa.
Những ca từ dịu dàng đẫm lệ đến đau lòng nhưng vẫn mang một niềm hy vọng mới rằng chàng trai đi xa rồi sẽ lại trở về “để em ra bến vắng đón chàng chiến binh”.
“Hai mươi năm ở miền Nam là thời gian của khói lửa chiến tranh đem lại chết chóc, của ô nhiễm chính trị đem lại mệt mỏi, của tiền bạc và lối sống ngoại nhân đem lại sa đoạ… khiến cho cả xã hội lẫn con người có thể bị tha hoá.
Tại sao vẫn còn những người hùng trong trắng, những chiến sĩ vô danh, những phụ nữ kiên trinh, những tuổi thơ ngọt ngào, những người mẹ hiền khô” – Nhạc sĩ Phạm Duy đã nhận định trong hồi ký của mình như vậy.
Ông dành một tình yêu son sắc cho quê hương, đất nước và làm giàu chúng bằng ca từ trong âm nhạc. Trong mênh mông của đại dương cuộc sống, thân phận nhỏ nhoi của con người bao giờ cũng là hình ảnh tương phản đáng ghét. Đối với ông, hạnh phúc luôn gắn liền với khổ đau. Suốt cuộc đời trai trẻ, ông đã tận mắt chứng kiến nhiều lớp người ra đi trong thời kháng chiến.
Thân phận mỏng manh của con người như chiếc lá, nối tiếp từ màu xanh đến màu vàng và cái chết, đôi khi chỉ trong một “sát na”. “Ông thấy gì trong những đường gân của lá khi ông yêu biết bao màu xanh? Ông sợ gì khi chiều xuống lúc nắng phai, hoàng hôn thở hơi ngắn, đánh dấu ngày hấp hối?
Phạm Duy nhìn lá chao nghiêng, đi rưng rưng giữa trời hoa đung đưa. Từng chiếc lá úa, tả tơi trong gió. Tóc sẽ thôi dài, đàn sẽ thôi gảy, mắt lá răm ai thôi lúng liếng, tay gầy ai thôi níu lưng người tình. Hồn ai sẽ rã mềm, lúng búng, uống cháo lú để nổi lên như gò mối, chờ phút đầu thai”.
Cùng Nguyễn Đức Music lắng nghe ca khúc “Quê Nghèo” của nhạc sĩ Phạm Duy tại đây
- Cô Gái Mù – Ca Sĩ Quang Hà – Lời Việt Nhạc Sĩ Nguyễn Đức
- Họp báo tại triễn lãm dầu khí toàn cầu tại Houston, Texas: Đại Sứ Phạm Văn Quế, Chu Tắc Nhân – Vụ Trưởng Vụ Quan Hệ Quốc Tế, Nguyễn Lịnh Nhân Đức, Tom Gautier GĐ Điều Hành PIN
- 03. “Cát Bụi” và triết lý nhân sinh trong ca từ nhạc Trịnh
- Phó Thủ Tướng Ngô Xuân Lộc – Nguyễn Lịnh Nhân Đức – Dwight McKie – Michael Billotti
- Đỗ Văn Hà – Vụ Trưởng Vụ Quốc Tế, Ngô Thường San – Chủ Tịch TCT Dầu Khí Việt Nam – Nguyễn Lịnh Nhân Đức