Trong nghệ thuật viết hay nghệ thuật biểu diễn, khó nhất vẫn là Lửa! Lửa ở đây chính là những khoảnh khắc chớp sáng, cái vi diệu của sự xuất thần, bất thường trên cái nền u uẩn, tẻ nhạt bình thường thậm chí quá tầm thường của sự đơn điệu hằng ngày.
Lửa còn chính là sự hóa thân quên mình, nâng cao cái riêng, cái “tôi” độc lập, tinh tế cứu cái “chúng ta”, tập thể” đồng ca tẻ nhạt. Lửa còn chính là tình yêu nghề, yêu nghiệp, yêu cái đa đoan đoạn trường của mình vì thế mà được “bà độ” hay “tổ đãi”. Những ai từng có dịp gần gũi hay làm việc với Trần Văn Khê đều nhận thấy ông là một nghệ sĩ lớn thâu tóm được quyền năng nghệ thuật bởi tri giác – tri thức hòa làm một và ông cũng là người thầy vĩ đại.
Dịp đó, Tỉnh ủy Quảng Nam tổ chức chương trình lễ hội văn hóa Việt – Nhật lần thứ 6 tại Hội An, 08.2009. Các anh biết chúng tôi có mối quan hệ với giáo sư, nhạc sĩ Khê nên ngỏ ý qua chúng tôi làm trung gian mời thầy về phố Hội tham dự với tư cách khách mời đặc biệt. Quan trọng hơn là làm chung lễ hội với Nhật trong một chương trình nên cái khó phải nêu bật được những cái hay, độc đáo nhất của truyền thống Việt Nam với bạn bè thế giới. Cuộc thương thuyết đã chuẩn bị kéo dài trước ba tháng qua nhiều trao đổi. Cuối cùng, thầy Khê gửi lời đến ban tổ chức, thầy sẽ chỉ lên đường nếu có người làm trợ lý và thư ký cho ông suốt chuyến hành trình.
Tại sao lại thư ký rồi trợ lý? Cái khó thế này. Thầy muốn chúng tôi phải hoàn thành đúng hai vai trò trong chuyến đi. Tham vấn những vấn đề cần và phát sinh kịp thời trong lễ hội khi ban tổ chức yêu cầu. Thấy Khê vốn không quen biết ai khi đến Hội An. Phụ trách mảng thông tin và tiếp xúc phóng viên, lên lịch xếp đặt giờ phỏng vấn thầy nếu có yêu cầu. Thầy Khê tuyệt đối trân trọng anh em làm báo chí và truyền thông. Thầy luôn nói rằng dư âm hay thành công của một chương trình sẽ được biết đến qua truyền tin báo chí với sức lan tỏa rộng rãi. Vì thế thầy không bao giờ từ chối tiếp xúc các phóng viên, nhà báo. Và để được chu đáo, mỗi cuộc gặp gỡ thầy muốn có lịch trình cẩn thận. Thậm chí các câu hỏi thầy cũng cần biết trước để trả lời thỏa đáng. Còn trợ lý phụ trách đẩy xe giúp thầy vốn ngồi xe lăn. Để duy chuyển từ Sài Gòn ra Đà Nẵng – thầy Khê thường xuyên đi nói chuyện diễn thuyết nước ngoài – là một nỗ lực đáng nể, can trường của một người già đi lại khó khăn trên xe lăn như ông!
Có dịp gần người thầy tinh thông về âm nhạc truyền thống Việt trong một tuần thật khó quên. Chuyến khởi hành của chúng tôi từ Sài Gòn ở phi trường Tân Sơn Nhất xế trưa và đến bay sân bay Đà Nẵng khoảng hơn một giờ chiều. Sau đó tiếp tục đi Hội An bằng xe Tỉnh ủy. Tâm thế chưa từng có hay chuẩn bị trước đó! Ban tổ chức đã sắp xếp cho chúng tôi ở cùng phòng, ăn cùng mâm cùng nhạc sĩ Trần Văn Khê như đề nghị của thầy. Tôi đã trở thành một trợ lý và thư ký riêng cho ông độc đáo như vậy!
Đầu tiên, thầy Khê cho phép chúng tôi gọi ông bằng thầy. Tất nhiên! Bởi chúng tôi không có may mắn được học âm nhạc với ông ngày nào. Và bây giờ qua chuyến đi và công việc, ông cho phép chúng tôi gọi thầy như vậy thật là vinh dự. Ít ra, cái rễ cây đại thụ lớn như ông cũng cảm được cái vị đắng, chát ngầm của chiếc lá xanh là chúng tôi từ những va chạm trầy xước, đủ để biết mùi “lễ độ” của cuộc sống! Chúng tôi kính trọng thầy Khê như ông nội của mình. Ở con người Trần Văn Khê luôn toát ra uy lực văn hóa hay lửa nguyên khí thu hút người đối diện.
Để đọc hết sách Trần Văn Khê viết thật không dễ. Hiểu hết ý nghĩa việc ông làm, nghiên cứu, giới thiệu âm nhạc cổ truyền Việt Nam ra với thế giới càng khó hơn. Có một sự thật giới trẻ hôm nay rất ít người có kiến thức về tinh hoa âm nhạc truyền thống Việt. Trong nhà trường cũng chưa chú trọng dạy điều đó cho học sinh nếu không phải là sinh viên chuyên ngành. Nên nói không quá, thầy Khê vừa là một nhà sư phạm, một “kiến trúc sư” cổ truyền cổ âm nhạc vừa là một nghệ sĩ biểu diễn. Những buổi nói chuyện của ông khán giả say mê kiến văn uyên bác nhưng cũng hút hồn vì tài nghệ biểu diễn của ông. Chúng tôi nghĩ ông là một đấng sáng thế mới trong cõi riêng của âm nhạc và văn hóa cổ. Qua tiếng ngâm trầm, bàn tay điệu nghệ, đôi mắt huyền sử, đôi lông mày bạc quắc thước oai phong… ông đưa khán giả vào đế chế riêng của mình. Làm sáng lại hay phục hưng lại giá trị của âm nhạc một thời ngỡ chỉ còn trong thế giới thần thoại và hư lãng…
Nhân dịp này thiết nghĩ cũng nên kể lại một kỷ niệm ngược ký ức xa hơn nữa! Và dường như chúng tôi có duyên với thầy Khê bởi chúng tôi đã được gặp và nghe ông nói chuyện khi chúng tôi còn là đứa trẻ 13, 14 tuổi tại Đà Nẵng. Thật khó diễn tả được trí nhớ của một thằng bé sau bao nhiêu thời gian lùi xa vẫn còn hai chi tiết về ông: Mũi to và nói chuyện rất khoái hoạt! Đó là vào khoảng những năm 1984 – 1985. Từ Pháp ông về nói chuyện âm nhạc cổ truyền Việt Nam. Hình như chuyến đi đó của ông qua nhiều tỉnh thành Hà Nội – Huế rồi mới đền Đà Nẵng. Hai buổi diển thuyết của ông tại Đài phát thanh Tỉnh đông nghịt người. Trần Văn Khê nói chuyện có duyên. Ông làm khán giả luôn vỗ tay ào ào, cười nói, cảm xúc, rung động theo ông. Không chỉ có duyên với những người già mà ông còn biết cách để một thằng bé như chúng tôi ngày ấy không buồn ngủ gật. Ngược lại, háo hức say sưa vểnh cổ chăm chăm nghe như nuốt lấy từng lời ông nói!
Một nghệ sĩ lớn bằng sự quan tâm đến từng chi tiết nhỏ. Không có gì bỏ sót nếu như nó là những tình huống của nghệ thuật. Thầy Khê cũng là một người chu đáo, tinh tế như vậy! Ví dụ sau buổi nói chuyện tại Quảng trường Hội An dịp đó, trở về phòng nghĩ, thầy nhắc Hải Phượng: -“Sao lúc thầy gõ trống cờ rắc tùng phách đầu con bỏ, đến phách thứ hai con mới vào? Có phải con quên không?”. Hải Phượng ngớ người ra một lúc rồi mới phát hiện mình quên. Chẳng là lúc ấy có nhiều đoàn khách Nhật đi qua Quảng trường nghe tiếng thầy Khê nói chuyện sang sảng bên trong thích quá ghé vào. Chỉ một phút lơ đãng, thầy đã vào phách nhịp thứ hai. Thầy tinh tế đến mức trong buổi nói chuyện của thầy chậm, nhanh, sơ suất, thiếu sót chỗ nào thầy đều lưu lại đề sau đêm diễn về trao đổi, phân tích khắc phục triệt để. Cả khi khán giả vỗ tay tán thưởng cũng vậy! Thầy ghim lại chỗ nào “tâm lý” để lưu tâm phát triển hơn nữa! Đó chính là lửa quyền năng nghệ thuật.
Và chúng tôi nhớ nhất hình ảnh thầy Khê thư thả nói chuyện với Bà Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan và Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Nguyễn Đức Hải tại khu du lịch biển Hội An – Cửa Đại trưa 15.8.2009 trong tiệc chiêu đã thành công sau lễ hội văn hóa Việt Nhật. Hình như các chính khách trước ông không có khoảng cách. Vẫn là những khán giả say sưa, say mê lắng nghe những điều thầy nói. Có điều gì thần kỳ trong câu chuyện của thầy, tài năng nói chuyện của thầy hay thế giới âm nhạc cổ truyền Việt Nam có quá nhiều điều kỳ bí, hấp dẫn. Cũng có thể cả hai!
Và thật trống vắng nếu người kể chuyện đã nằm xuống! Lửa tắt! Đóng lại một thế giới huyền ảo! Khép lại một quyền năng Nghệ thuật!
Cuộc đời thật đáng buồn nếu thiếu vắng những Nghệ sĩ biết cách kể chuyện! Bởi cuộc sống phải chăng là một túi ký ức để chúng ta đi tìm lửa nguồn kết nối hôm nay – hôm qua, hiện đại – truyền thống…
Những nghịch phách đảo tắt lặn và hồi sinh như trái tim đập trong tàn tro âm nhạc và văn hóa…
- Quy trình phát hành album ca nhạc chuyên nghiệp
- Bật mí 3 bí quyết hát giọng gió hay chỉ cần luyện tập hằng ngày
- Tầm quan trọng của mastering trong sản xuất âm nhạc
- 04. Nhạc phẩm “Một Cõi Đi Về” – Một phút suy tư chiêm nghiệm thấm đẫm “sự đời” cùng Trịnh ca
- Nguyễn Đức Music ra mắt album nhạc hòa tấu hi-end đầu tiên tại Việt Nam