Mục lục bài viết
Đà Nẵng, khởi đầu cuộc hành trình
Tôi trở lại Đà Nẵng đột ngột với chuyến đi trong gió bão. Một cơn áp thấp nhiệt đới thành lốc xoáy đang đổ bộ vào Nha Trang, Phú Yên khiến cả một vùng khúc ruột miền Trung cũng khúc khuỷu, mưa gió. Tuy vậy, thời tiết đó không cản trở ý định của tôi lần này trở về là đi tìm một số tư liệu về hai nhạc sĩ La Hối và Lê Trọng Nguyễn, hai thần tượng âm nhạc của tôi ngày trẻ. Đành rằng cũng biết phong phanh hay “đánh hơi nồi chõ” đây đó nhạc sĩ La Hối ở Hội An và Lê Trọng Nguyễn là dân Điện Bàn, nhưng việc lần theo dấu vết, làm một trải nghiệm dấn thân là chưa bao giờ và không dễ dàng. Ít hay nhiều khi bạn làm một chuyến “về nguồn” chứng kiến những vết tích thâm trầm của nghệ thuật còn lại sau bao đổ nát của lịch sử. Để thấy cuối cùng chỉ còn những tác phẩm kiệt tác và bất hủ là ngự trị được, đong đưa cùng năm tháng.
Nhạc sĩ La Hối sinh năm 1920 ở Hội An. Như vậy có thể thấy La Hối là bút hiệu và ẩn trong tên ông nhiều ẩn ý. Cũng như thi sĩ Hàn Mặc Tử (1912 – 1940) với Thơ điên chiết tự ra có một nghĩa đen là gió lạnh, cô đơn và bi ai. Nghĩa đen của La Hối là tiếng kêu thống thiết, hối hận. Thật ra không ai muốn đặt cho mình những cái tên trúc trắc, khó hiểu hay đen đủi nhưng đôi khi vì những lý do gì dó đã vận vào, đã chọn nó. Trong lịch sử còn tồn nghi nhiều câu hỏi về chuyện này ví dụ như nhà văn Nguyễn Dữ (thế kỷ 16) viết cuốn sách nổi tiếng Truyền kỳ mạn lục. Nhiếu nhà nghiên cứu cho rằng chỉ có thể là Dư chứ sinh con không ai đặt tên Dữ cầu mong cuộc đời con sóng gió dữ dằn, dữ dội như vậy! Nhưng đó là giả thuyết mà thôi. Sự thật trên văn bản vẫn là cái tên Nguyễn Dữ với những câu chuyện trúc trắc, hồ ly phá chấp, phá giới không hề giống ai cả. Văn học nghệ thuật phải chăng là những dị biệt?
Để chuẩn bị tư liệu, tôi đã liên lạc được với nhà văn, nhà báo Trần Trung Sáng. Anh là một trong những người am tường văn hóa Quảng Nam. Hai anh em hẹn cà phê cuối ngày tại quán Trúc Lâm Viên trên đường Huỳnh Thúc Kháng và anh cũng đã giúp tôi những dữ liệu cần thiết để lên đường. Sáng khởi hành có thêm nhạc sĩ Nguyễn Đình Thậm, nguyên giám đốc Nhà hát Trưng Vương thành phố Đà Nẵng, nhà thơ Đông Trình và nhà báo Hồng Sơn. Nhạc sĩ Đình Thậm là người Quảng Ngãi nhưng đã thành công tại Đà Nẵng. Anh đã viết, phổ thơ để có rất nhiều ca khúc hay về đất này như Miền Trung quê mẹ, Đêm biển mưa, Quế Sơn đất mẹ ân tình và đặc biệt là ca khúc Đà Nẵng tình người được nhiều người yêu thích. Vì thế, anh cho biết rất bất ngờ khi biết bài hát nổi tiếng Xuân và Tuổi trẻ của nhạc sĩ La Hối được viết ở Hội An. Với đời nghệ sĩ, chỉ có một ca khúc thành công đã đi vào bất tử. Trước thềm mỗi mùa Xuân, tâm hồn người Việt Nam nào không ngân lên những lời hát:
“Ngày thắm tươi bên đời Xuân mới / Lòng đắm say bao nguồn vui sống / Xuân về với ngàn hoa tươi sáng / Ta muốn hái muôn ngàn đóa hồng…/ Xuân thắm tươi, én tung bay cao tít trời / Vui sướng đi, cao tiếng ca mừng vui reo / Đừng để lòng thổn thức tình mê đắm / Ta trẻ vui, ta trẻ vui đời Xuân thắm tươi…”
Hội An và những chuyện về nhạc sĩ La Hối
Chúng tôi khởi hành và vào đến Hội An khoảng 10 giờ sáng. Phố cổ bây giờ cấm xe nên nhạc sĩ Đình Thậm đã gửi xe ngoài đường Trần Phú, đi bộ vào phố cổ Nguyễn Thái Học. Vì ngược đường, tất cả phải đi một đoạn khá xa. Nhà thơ Đông Trình năm nay 76 tuổi, chân yếu, không đi được và nhạc sĩ đã thuê một chiếc xe đạp để chở ông.
Tôi thì bán tín bán nghi khi đi tìm số nhà 100 Nguyễn Thái Học chỉ gặp những mặt tiền 4 m2 bán hàng tơ lụa na ná nhau. Trước ngôi nhà mà nhà văn Trần Trung Sáng chỉ, tôi càng nghi ngờ trí nhớ mình vì tường quét một màu vàng sặc sỡ, vải vóc tơ lụa phơi móc mời chào níu kéo.
Thấy chúng tôi, một nhân viên nam đi ra đon đả. Tôi hỏi: “Xin lỗi, cho anh hỏi thăm đây có phải là nhà thờ nhạc sĩ La Hối không em?” Cậu thanh niên nhớn nhác: “Ông nớ ông làm cái chi anh?”
Tôi bật cười phải giải thích một hồi về nhạc sĩ và ca khúc Xuân và Tuổi trẻ. Chỉ mới nghe tôi nhẩm mấy lời hát, mắt cậu sáng lên: ”Ơ, bài hát này thì em biết nhưng không hề hay nhà ở, nhà thờ ông ở đâu? Cậu gãi đầu ngụng nghịu: “Anh thông cảm tụi em mới lớn sau này những chuyện xưa như rứa không biết… Nhưng để em hỏi thăm cho anh”.
Cậu thanh niên quay vào trong rồi trở ra với một anh bạn. Người này xem lớn hơn độ chục tuổi. Anh quả quyết với tôi là cả dòng họ La Hối đã bán nhà từ lâu và đi đâu không ai biết. “Ông nhạc sĩ đó em biết mà. Nổi tiếng lắm! Nhưng ổng mất đâu từ hai mấy tuổi chỉ còn lại bài hát Xuân và Tuổi trẻ. Ngày xưa dòng họ ông còn ở đây. Sau gần trăm năm thì tản mác hết. Nghe nói người vào Sài Gòn, người về quê bản cũ bên Quảng Đông. Anh thấy đó, cả khu phố này giờ cho thuê hay buôn bán vải vóc. Nhưng toàn là gia chủ mới. Những người xưa mất hết rồi…”
Tôi ngạc nhiên tính lấy điện thoại hỏi thăm nhà văn Trần Trung Sáng. Còn nhớ cà phê hôm qua anh nói với tôi là gia tộc La Hối vẫn còn ở gần số nhà 100 phố Nguyễn Thái Học. Giờ mới hay cớ sự này. Đang lưỡng lự thì bỗng dưng anh này nói: ”Em cũng chỉ biết vậy thôi. Hay anh cứ dò hỏi thêm xem ông La Hối còn có bà con hay cháu chắt nào ở Hội An nữa không?”
Tôi đi ngược mấy bước, chợt nghĩ tới câu “ra ngõ hỏi già, về nhà hỏi trẻ” thì chợt nhìn thấy một cửa hiệu thuốc bắc cũ kỹ như đã từng tồn tại hàng trăm năm nằm phía dưới. Tôi quyết định băng qua đó để hỏi. Thật may đã gặp một cụ già đang bốc thuốc. Ông tỏ vẻ xúc động, niềm nở: “Đúng là căn nhà từ đường họ La đó giờ đã cho thuê để bán hàng lưu niệm. Ông cụ La Châu Quảng vốn là người hiểu biết rất nhiều chuyện thì cũng đã qua đời. Hiện nay như tôi biết vẫn còn một người cháu gái con cụ Quảng ở gần đó, Người đó có thể giúp anh…”
Thật bất ngờ tôi đã gặp con gái cụ La Châu Quảng. Chị cho biết bố mình, người am tường về nhạc sĩ La Hối, bài hát Xuân và Tuổi trẻ, giữ từ đường họ La cũng như nhiều việc khác… đã qua đời. Gia tộc họ La vẫn còn ở Hội An. Và nhà thờ họ La trên căn gác của số nhà 91 Nguyễn Thái Học. Chính là nơi tôi gặp hai bạn trẻ vui tính hiếu khách. Khi thấy chúng tôi quay trở lại và biết đây chính là Từ đường, nhà thờ họ La, nơi cũng đặt ảnh thờ của người nhạc sĩ tài ba La Hối, các bạn cũng bất ngờ.
Từ ngoài mặt tiền căn nhà Đường Lụa số 91 Nguyễn Thái Học – Hội An sang trọng, vải vóc treo móc sặc sỡ, khách du lịch Âu Á lai vãng thường xuyên, nhưng chỉ đi sâu vào vài bước bên trong đã cho thấy một thế giới khác hẳn. Đó là một không gian nhà cổ xưa hoang hoải, đầy hoài niệm. Trên bức tường vàng hoen ố, tôi chụp được mấy tấm ảnh có bài hát nổi tiếng Xuân và Tuổi trẻ củng di ảnh nhạc sĩ La Hối. Một tấm ảnh ông La Gia Quảng, chủ nhân chăm sóc nhà từ đường, vừa mất cách đây ít lâu đang ngồi đàn piano.
Một bản lịch ghi ngày tháng cúng cơm của những người họ La trong gia tộc đã mất như La Doãn Chánh, La Doãn Khoan, La Gia Phú, La Doãn Trung, La Đức Tường, La Doãn Ninh, La Thoại Quý… Tìm mãi không thấy tên nhạc sĩ La Hối ở đâu? Tôi đem thắc mắc hỏi chị gái con cụ Quảng mới hay tên ông để đầu tiên trong bảng lịch xếp cúng cơm. La Hối chỉ là bút hiệu, còn tên thật nhạc sĩ là La Doãn Chánh. Trong lịch đề vắn tắt như sau La Doãn Chánh 1920 – 1945. (tức nhạc sĩ La Hối). Mất ngày 19.2 năm Ất Dậu (1945).
Ngôi nhà 91 Nguyễn Thái Học có thờ nhạc sĩ La Hối cũng được xếp vào loại nhà cổ Hội An. Đó là kiểu nhà chịu ảnh hưởng kiến trúc Trung Hoa xen lẫn Nhật Bản còn gọi nhà rường giả thủ. Đặc điểm nổi bật là các đòn tay, mái và trần nhà. Qua bao thời gian nắng mưa, cải tạo, chống đỡ vì xuống cấp, tái tạo phần mặt tiền ở đường Ngyễn Thái Học để cho thuê buôn bán thì phần phía sau ngôi nhà vẫn còn giữ nguyên. Thật xúc động khi nhìn thấy trên nền nhà những bàn ghế, thúng mủng, quanh gánh… xưa cũ. Hình như cũng đã lâu không có ai vãng lai đến đây. Khi bước lên từng bậc thang tôi nhận ra trên sắc mặt của xi măng sự mòn vẹt, lồi lõm của gạch đá. Dấu vết chất chồng năm tháng…
Trên điện thờ dòng họ La, chúng tôi kính cẩn thắp nhang, cầu mong mọi điều tốt đẹp, quốc thái dân an. Tấm ảnh trẻ trung của nhạc sĩ La Hối như đang nhìn tôi cười. Tôi cảm thấy mình may mắn khi ước mơ “hành hương” của mình tìm nơi khởi đầu của bài hát Xuân và Tuổi trẻ của một nhạc sĩ tài hoa đã trọn vẹn. Thật không phải người yêu nhạc nào cũng được may mắn như thế.
Nhà thơ Đông Trình cho biết thời trẻ ông và gia đình có một thời gian sống ở Hội An. Đô thị cổ này gắn liền với nhiều kỷ niệm của ông với bạn bè đi học một thời sau này là những nhà văn, nhà thơ tên tuổi như Luân Hoán, Tần Hoài Dạ Vũ, Hoàng Lộc… Ông quen thuộc và rất yêu thích bài hát Xuân và Tuổi trẻ của nhạc sĩ La Hối. Tuy nhiên, ông vẫn chưa biết và chưa có dịp viếng để thắp cho người nhạc sĩ tài ba một nén hương để tỏ lòng ngưỡng mộ như hôm nay. Và nghe đâu ngoài ca khúc Xuân và Tuổi trẻ, nhạc sĩ La Hối còn sáng tác nhiều bài hát khác cũng nổi tiếng không kém. Lạ lùng hơn là La Hối đã mất rất trẻ, khi mới 25 tuổi. Lúc khí lực, tài năng đang độ phát tiết tinh hoa. Và cái chết của ông cũng khá ly kỳ, liên quan đến những người yêu nước chống phát xít Nhật.
Tôi lại tiếp tục muốn đi tìm những chứng nhân và tư liệu xung quanh cái chết của La Hối, một cuộc đời ngắn ngủi nhưng tài năng và vô cùng oanh liệt ấy…
Những hư thực huyền ảo khi đi tìm Nhạc sĩ
Trên bàn thờ từ đường của dòng họ La còn ở Hội An, tôi đã nhận ra tấm ảnh nhạc sĩ La Hối khá dung dị. Nhìn ông rất thư sinh như cậu học sinh cấp ba. Mà thực ra, người nhạc sĩ trẻ tài hoa cũng mất khi còn quá trẻ. Chỉ mới 25 tuổi. Có một chi tiết cảm động là người cháu gái của La Hối, chị La Vĩnh Cúc vừa thắp nhang vừa khóc. Nước mắt lã chã. Chị khấn nhỏ nhưng vẫn nghe được: “Hôm nay có một số người yêu nhạc của ông muốn đến viếng nên con xin đưa họ lên đây. Con cũng chưa bao giờ được vinh hạnh thấy ông. Nhưng sao bài hát của ông thì bao nhiêu người nhớ. Ông về chứng kiến và chúc may mắn cho họ”.
Sau khi thành kính viếng nhạc sĩ La Hối, chúng tôi trở xuống. Lúc bấy giờ cũng đã quá giờ trưa, Hội An trước ngày bão rớt nắng gắt, hanh hao rất khó chịu. Tôi tiếp tục cuộc hành trình tìm kiếm của mình. Một lần lên đường là một lần khó. Tôi muốn ra thăm mộ ông.
Có một điều lạ lùng là khi tôi hỏi người chị Cúc, con cụ La Gia Quảng về nơi chôn cất nhạc sĩ La Hối thì chị cũng thú nhận là chỉ biết ở khu vực chùa Chúc Thánh – Hội An. Và chị cũng chưa một lần nào ra nơi ấy (!?). “Em cũng nghe mọi người nói ông chôn gần chùa và cũng chỉ biết vậy thôi. Anh cứ tìm chùa và vào trong hỏi mấy sư, mấy thầy. Thế nào cũng có người biết, chỉ cho anh…”.
Chùa Chúc Thánh? Từng đi Hội An rất nhiều lần nhưng tôi nghe tên rất lạ! Có lẽ phải ở ngoài khu vực phố cổ. Tôi cũng dợn lên một vài băn khoăn như tại sao cháu của nhạc sĩ lại chưa ra mộ ông lần nào? Nếu La Hối an nghỉ trong khu nghĩa trang gia tộc họ La thì ít nhất hàng năm cũng vài lần người thân thăm viếng như lễ đạp thanh, tảo mộ? Nhưng suy nghĩ đó đã thoáng qua rất nhanh.
Tôi gọi cho một người chú ở Hội An tên Dũng, vốn là “thổ địa” vùng này, nhờ chở đi tìm chùa Chúc Thánh.
Đúng như tôi nghĩ. Chúng tôi phải quay ra phía đường vành đai mở rộng của Hội An. Sự thay đổi rất nhanh của nhịp sống hôm nay đã hiện đại hoá một đô thị cổ.
Chúng tôi đến chùa Chúc Thánh đúng ngay 12 giờ trưa, giờ hoàng đạo. Giờ đẹp và chùa đẹp. Chùa toạ lạc tại Cẩm Phô. Nơi khai sinh ra chi phái Thiền Chúc Thánh của Thiền Lâm Tế. Chùa được Thiền sư Minh Hải khai sơn vào thế kỷ VII. Thiền sư gốc Phước Kiến – Trung Quốc sang Việt Nam thời Chúa Nguyễn Phúc Tần (1648 – 1687). Tôi nghĩ, nếu mộ nhạc sĩ La Hối chôn cất tại đây là hợp lý. Vì ông cũng gốc người Hoa. Qua bao thời gian, chùa Chúc Thánh như còn giữ được nguyên vẹn. Buổi trưa không gian yên lành, nhiều cây xanh, cộng với kiến trúc nhà cố ba gian mát mẻ, tâm hồn lâng lâng như đi lạc vào cảnh thần tiên.
Tuy vậy, thật ngạc nhiên khi chúng tôi hỏi thăm mộ nhạc sĩ La Hối không ai biết cả. Các chú tiểu càng ngác ngơ. Các thầy cũng không hề biết La Hối là ai? Một thầy nói, chưa nghe cái tên đó ở chùa này bao giờ. Có thể có một người biết là một bõ già làm việc thiện, quét lá trong sân chùa nhưng giờ này ông ấy cũng đã đi có việc. Thật thất vọng!
Tôi nhớ lại lời của chị Cúc, con gái cụ La Gia Quảng là ông mất từ lâu, năm 1945. Hơn nửa thế kỷ trước. Như vậy có thể mộ của nhạc sĩ La Hối phải nằm phía trên cùng của nghĩa địa chùa (!?). Đó cũng là cách tự suy đoán của tôi. Vì cứ thứ tự kẻ trước, người sau. Vòng trong, vòng ngoài. Tôi lấy lại chút tự tin để một mình theo hướng dẫn của các chú tiểu thẳng ra phía sau để tìm. Nhưng khi đối diện với một nghĩa địa mêng mông hun hút lấp lóa trong nắng trưa tôi biết là không thể tìm nổi. Thử ngang dọc vài lối tôi đã mất định hướng, không thể phân biệt được ngả nào mình vừa qua nữa. Tôi thất vọng và một mình quay lại. Quyết định bỏ cuộc.
Có một điều tâm linh mà khi viết đến đây tôi cũng muốn ghi lại một cách trung thực, Đó là lúc ấy lòng tôi cũng thoáng khởi lên ý nghĩ tại sao hương hồn nhạc sĩ La Hối không phù hộ cho tôi khi tôi thành tâm muốn đi tìm ông? Và thật lạ lùng điều ấy đã báo ứng. Lúc chú Dũng và tôi quyết định chấm dứt cuộc tìm kiếm ở đây, lên xe để về phố cổ Hội An thì bất ngờ ngoài cửa có một người đàn ông đi vào.
Trên tay còn lủng lẳng nải chuối, hương đèn. Thì ra trong ngày rằm anh ghé chùa thắp hương. Chú Dũng đã rồ máy, tôi cũng lên xe chực đi thì linh tính sao tôi bảo chú ngừng lại, chờ chút! Tôi đi về phía người đàn ông nhỏ thó không ngừng hy vọng là có thể anh sẽ biết giúp tôi tìm mộ nhạc sĩ La Hối. Và một chút may mắn, người đàn ông này biết rất rõ nhạc sĩ La Hối cùng bài hát Xuân và tuổi trẻ. Nhưng hoàn toàn không biết mộ ông chôn trong chùa Chúc Thánh. Thậm chí anh còn rất ngạc nhiên khi tôi quả quyết điều này. Anh nói -“Là người Hội An, tôi rất tự hào về nhạc sĩ La Hối nhưng nói thật tôi không biết thông tin mộ ông chôn ở đâu? Ở trong chùa Chúc Thánh này lại càng không! Bởi vì tôi thường đi chùa này và chưa bao giờ nghe các thầy kể về việc này cả. Chẳng lẽ có một nhạc sĩ nổi tiếng như thế trong chùa mà không ai biết?!”.
Đột nhiên tôi nhớ ra một chi tiết quan trọng, tôi nói với anh ta: “À, mà hình như tôi có đọc phong thanh mộ La Hối phải là một ngôi mộ rất lớn. Vì ông bị phát xít Nhật bắn chết và được chôn tập thể hay sao đó? Ở trong chùa Chúc Thánh này có ngôi mộ nào to nhất, ra đó có lẽ là đúng!”.
Người đàn ông mắt vụt sáng, bỗng la lên bất ngờ: “Anh vừa nói gì? Mộ nhạc sĩ La Hối chôn tập thể? Ngôi mộ lớn nhất? Đúng rồi! Tôi có biết ngôi mộ ấy. Tuy nhiên nó chỉ nằm gần chùa chứ không ở trong chùa Chúc Thánh. Các anh hãy đi theo tôi…”.
Tôi mừng hết lớn. Vậy là sự nỗ lực của mình không uổng. Nếu như chỉ một phút chú Dũng chở tôi phóng xe đi thì có nghĩa tôi chẳng bao giờ biết được mộ của nhạc sĩ La Hối. Mà cũng rất khó có dịp quay trở lại. Điều mà chuyến hành trình trở về Hội An này tôi tâm niệm phải quyết làm được.
Chúng tôi ra khỏi chùa Chúc Thánh và rẽ phải. Băng qua con đường sỏi đá mấp mô khá khó đi chỉ một đoạn ngắn người đàn ông đã ra hiệu dừng lại. Anh chỉ cho tôi thấy một nghĩa trũng xa xa. “Đó, cái tượng đài cao cao chính là dấu hiệu của nghĩa trang chống phát xít Nhật ở Hội An. Đây cũng chính là mộ tập thể chôn mười nghĩa quân có tinh thần yêu nước kháng Nhật. Nếu như anh nói đúng thì nhạc sĩ La Hối là một trong mười người trẻ hy sinh ấy. Anh có thể liên hệ hỏi thêm bà con ở đây để biết thêm. Chúc anh may mắn. Tôi phải quay lại chùa đây…”
Thêm một điều ngạc nhiên nữa tôi nhận ra đó là không gian im ắng, tĩnh mịch nơi đây cũng như cỏ dại mọc ngút dày, cỏ gai bám chặt trên quần lữ khách nào hành hương đến đây. Chứng tỏ từ lâu cũng ít người thăm viếng lui tới. Nếu nói cụm tượng đài là tưởng niệm của người Hội An chống phát xít Nhật thì có lẽ đã từ lâu nó đã bị bỏ quên đến hoang phế trong um tùm lau lách và cỏ dại.
Một cánh cửa sắt ọp ẹp xiêu vẹo như sắp sụp xuống, là lối duy nhất để vào bên trong. Tôi quyết định đẩy cánh cửa để vào. Tiếng chó sủa dữ dội. Rồi một con chó dữ lao ra cùng một người đàn bà độ bảy mươi tuổi. Sau khi nói chuyện, biết tôi muốn vào thắp nhang và thăm viếng khu mộ tập thể bà vui vẻ hướng dẫn.
Khu mộ có hai phần. Phần phía trong chia 10 ngăn, mỗi ngăn như tượng trưng cho một nghĩa quân nằm xuống. Mười ngăn chia bằng nhau, vuông vức từ trái qua phải. Và rõ ràng cũng không biết nhạc sĩ La Hối nằm ở ngăn số mấy? Thời gian trôi qua đã lâu. Rong rêu lên xanh mướt. Như vỗ về những huyền thoại.
Phần phía bên ngoài như bức bình phong kiên cố che chắn phía bên trong. Nhiều bậc thang cấp để dẫn lên chính sảnh. Và có một cột đài cao như ký hiệu dễ nhận thấy nơi này. Như vậy chuyến đi của tôi đã thành công như mong đợi của tôi. Tìm dấu vết của nhạc sĩ La Hối tài hoa và ca khúc Xuân và tuổi trẻ.
Trong nhiều tư liệu, đã phác ghi về La Hối, ngay từ nhỏ ông đã thể hiện năng khiếu về âm nhạc. Trong những năm 1936–1938 có học ở Sài Gòn, thời gian này ông có dịp học hỏi, trau dồi âm nhạc cổ điển phương Tây. Năm 1939, La Hối và các bạn thành lập Hội yêu Nhạc (Société Philharmonique), ông làm hội trưởng. Một số nhạc sĩ nổi tiếng bây giờ như Dương Minh Ninh (tác giả ca khúc Gấm vàng), Lê Trọng Nguyễn (Nắng chiều), Lan Đài (Chiều tưởng nhớ)… đã từng được ông hướng dẫn âm nhạc.
Năm 1945, La Hối gia nhập và trở thành một trong những người lãnh đạo một tổ chức chống phát xít Nhật. Ông cùng các đồng chí in truyền đơn, nổ bom, phá đường, phá cầu, tập kích quân đội Nhật. Tháng 5.1945, La Hối và 10 đồng chí bị hiến binh Nhật bắt. Sau khi bị tra tấn tàn nhẫn, tất cả bị xử bắn chôn chung một mộ tại chân núi Phước Tường, nay đã được cải táng về Nghĩa trang Chống phát xít Nhật ở Hội An. Khi ấy ông vừa mới 25 tuổi.
Bất ngờ xung quanh bài hát “Xuân và Tuổi trẻ”
Ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ La Hối mà mọi người biết chính là Xuân và Tuổi trẻ. Tuy nhiên, theo nhiều nhà nghiên cứu, nhà thơ Thế Lữ mới chính là người đặt nhan đề và viết phần lời tiếng Việt như ca từ được lưu truyền đến hôm nay. Khi phần 1 của bài về nhạc sĩ La Hối công bố, nhà phê bình văn học Đặng Tiến từ Pháp đã đọc và nhắn tin nhắc tôi lưu ý điểm này. Có lẽ theo ông khá quan trọng. Bởi ai yêu thích bài hát ít nhiều đều biết ca khúc của La Hối vốn được phổ biến ban đầu bằng lời Hoa. Thời gian bài hát ra đời 1944, một năm trước khi nhạc sĩ bị phát xít Nhật giết. Gia đình cho biết, ông mất ngày 19.4 năm Ất Dậu (tức 30.5.1945). Lính Nhật đã hành hình, bắn ông và 10 người khác tại chân núi Phước Tường – Đà Nẵng.
Về tiết tấu, bài hát Xuân và Tuổi trẻ là điệu Valse nhịp 3/4, vui tươi, rộn ràng sôi nổi. Đáng lưu ý là từ nguyên bản, La Hối có viết một đoạn nhạc dạo réo rắt mà thể thức này vẫn thường được sử dụng lại cho dù có qua tay các nhạc sĩ hòa âm phối khí khác nhau đi nữa. Đó là nét độc đáo của bài hát. Nhạc sĩ Phạm Duy trong một bài viết về Tân nhạc Việt có đánh giá về khả năng âm nhạc của La Hối là “hơn người” và “đặc biệt”.
Đi sâu vào bài hát, tìm hiểu và phân tích, ngoài hai đoạn mở đầu và kết thúc, Xuân và Tuổi trẻ theo cấu trúc ABA. Riêng đoạn B có 3 phân đoạn mang những âm hình tiết tấu khác nhau, dùng thủ pháp mô phỏng để phát triển giai điệu.Tất cả các đoạn và phân đoạn đều được nhắc lại hai lần gây hứng, tạo cảm giác thân thuộc, nhịp quen cho người hát. Vì thế, nói không quá, chính cấu trúc ca khúc nhiều chủ ý đã lôi cuốn người nghe lúc mới tiếp xúc lần đầu tiên.
Tôi còn tìm được nhiều chuyện ly kỳ và thú vị xung quanh bài hát, xin chia sẻ cho bạn đọc biết thêm chứ không tự ý bình luận, thêm thắt. Đó là có nghiên cứu cho biết, La Hối khi còn sống còn soạn cả nhạc không lời. Trong đó có một bài khá nổi tiếng trong giới chơi nhạc thời đó ở Hội An có tựa đề Pháp ngữ là Printemps et la Jeunesse (Xuân và Tuổi trẻ). Bản này hòa tấu khá hay.
Cũng có giai thoại, người bạn của ông là nhà thơ Diệp Truyền Hoa, muốn bài hoà tấu kia phổ biến, có nhiều người nghe hơn nên đề nghị La Hối viết lại thành ca khúc và ông đặt lời. Nhạc sĩ đồng ý nên hai ông đã cùng nhau soạn thành ca khúc Thanh niên dữ Xuân thiên. Bài hát phổ biến rất nhanh trong cộng đồng Hoa kiều ở Hội An.
Sau khi La Hối mất, nhà thơ Thế Lữ cùng đoàn kịch Anh Vũ xuyên Việt ghé biểu diễn ở Hội An. Cảm kích trước sự dũng cảm và hy sinh của người nhạc sĩ trẻ, ông đã viết phần lời Việt cho ca khúc để bài hát trở thành Xuân và Tuổi trẻ bất hủ như bây giờ. Minh chứng này còn lưu lại dấu ấn rất rõ trong nhà Từ đường họ La. Bài hát được trưng bày trang trọng, trên đó ghi rất rõ: Nhạc La Hối (1920 – 1945), Lời Hoa: Diệp Truyền Hoa, Lời Việt: Thế Lữ (1907 – 1989)
Tuy nhiên, xét về mặt văn bản, tôi cũng thấy một điều là Xuân và Tuổi trẻ – nhạc La Hối tồn tại hai phần lời của Diệp Truyền Hoa và Thế Lữ. Và phần lời tiếng Hoa của Diệp Truyền Hoa được viết trước. Vậy Thế Lữ lúc đặt lời hai, liệu ông đã chuyển ngữ lời tiếng Hoa hay viết hoàn toàn một phần lời mới? Theo cách nhìn của nhà phê bình Đặng Tiến khi trao đổi với tôi, vai trò của Thế Lữ khá quan trọng trong việc phổ cập và truyền bá rộng rãi ca khúc. Nhưng nếu ông chỉ là người chuyển ngữ phần lời của Diệp Truyền Hoa thì rõ ràng vị trí đó là thứ yêu, đó ít quan trọng hơn khi khảo sát các văn bản, chứng liệu.
Tại phố cổ Hội An và Đà Nẵng, tôi cũng đã thử dò tìm vài nguồn tư liệu để xem xét văn bản tiếng Hoa bài hát Thanh niên dữ Xuân thiên của nhà thơ Diệp Truyền Hoa có giống văn bản Xuân và Tuổi trẻ của Thế Lữ hay không nhưng không tìm ra. Bản này gần như thất truyền và rất ít người thuộc. Nếu không có chứng cớ trong tay, thật khó để hiểu các tiếp biến của nhạc bản.
Cho đến khi vào lại Sài Gòn, lúc bài viết về La Hối được công bố phần đầu tiên thì thật bất ngờ tôi nhận được liên lạc của nhà sưu tập Nguyễn Trọng Hiệp. Anh cho biết mình có văn bản bài hát bằng tiếng Hoa. Tôi vui quá, dừng ngay bài viết để dành nguyên ngày cuối tuần hẹn gặp tại Thư phòng nhà anh xem xét các tư liệu.
Thật đặc biệt là bài hát Xuân và Tuổi trẻ được tuyển chọn lại trong một ấn phẩm quan trọng và sang trọng có tựa đề Nhạc Tiền chiến do NXB Kẻ Sĩ – Sài Gòn, in năm 1970. Đặc biệt hơn, ấn phẩm này có lời giới thiệu và bạt của hai nhạc sĩ Hoàng Nguyên và Lê Thương.
Theo từ điển Bách khoa toàn thư Wikipedia, nhạc sĩ Lê Thương và nhà thơ Thế Lữ chơi khá thân với nhau. Trong cuốn Nhạc Tiền chiến, Lê Thương đã soạn rất kỹ tiến trình Tân nhạc Việt qua 18 tác giả nhạc sĩ trứ danh như Đặng Thế Phong, Văn Cao, Phạm Duy, Hoàng Quý, Thẩm Oánh, Dzoãn Mẫn, Nguyễn Văn Thương, Nguyễn Đình Phúc, Lê Yên… Và ông đã dành nhiều tình cảm khi viết về các nhạc sĩ tiền chiến khởi phát từ miền Trung, trong đó có nhạc sĩ La Hối, như sau:
“Miền Trung và riêng vùng Hội An – Đà Nẵng một nhóm nhạc sĩ đồng thời xuất hiện đem ra một phong khí nhạc đẹp sáng, gợn gió trùng dương như những bài Xuân và Tuổi trẻ (La Hối), Mùa đông binh sĩ, Trầu Cau (Phan Huỳnh Điểu), Trai đất Việt (Dương Minh Ninh), Trên sông Hương (Nguyễn Văn Thương và các bài nói trên). Sau đó ít lâu còn Ngọc Trai, tác già Nhắn người chiến sĩ, Bến Hàn Giang, Nhạc sĩ với giấc mơ... (Trích “Thời Tiền chiến trong Tân nhạc 1938 – 1946 – Lời thuật của Lê Thương).
Tuy nhiên, thắc mắc của tôi là bài viết của Lê Thương cũng như bản in nhạc khúc Xuân và Tuổi trẻ của La Hối trong tuyển Nhạc Tiền chiến hoàn toàn không nhắc gì đến nhà thơ Thế Lữ. Chỉ giới thiệu phần lời Việt (phía trên để trống) và phần lời Trung Hoa đề tên Diệp Truyền Hoa mà thôi. Mặc dù theo nhiều chứng liệu, hai ông là bạn bè khá thân khi còn ở miền Bắc, lúc thành lập ban kịch Thế Lữ tại “Biệt thự gió bốn phương’ ngôi nhà tụ tập nhiều anh tài văn nghệ sĩ trên đường Láng – Hà Nội mà Lê Thương cũng là một thành viên. Điều này là một cứ liệu xác đáng đủ tin cậy để người yêu nhạc hoàn toàn có thể nghĩ Thế Lữ chỉ là người chuyển dịch lại lời bài hát của nhà thơ Diệp Truyền Hoa mà thôi.
Và tôi, người đi tìm những ẩn số La Hối này đã đi đến quyết định cần phải có bản dịch tiếng Việt của ca khúc Thanh niên dữ Xuân thiên của Diệp Truyền Hoa để có thể so sánh với Xuân và Tuổi trẻ của Thế Lữ. Đây là một thao tác nghiên cứu văn bản khoa học và cần thiết nhưng không hiểu sao từ trước đến giờ các bài viết về bài hát của La Hối đều không làm. Có thể do thiếu về mặt tư liệu và không đủ thời gian chăng?
Thật may mắn trong tay tôi đã có bài hát La Hối phần tiếng Hoa do nhà sưu tập Nguyễn Trọng Hiệp cung cấp và tôi cũng mời được phiên dịch Hoàng Thu An, một dịch giả từng tốt nghiệp Đại học tiếng Trung đồng ý, cùng phối hợp để làm công việc này. Chị đã bỏ nhiều ngày để khảo cứu cặn kẽ văn bản do chúng tôi cung cấp và dịch phần lời của bài hát nguyên tác tiếng Trung là Thanh niên dữ Xuân thiên của Diệp Truyền Hoa.
Dưới đây, chúng ta cùng xem xét hai phần văn bản:
XUÂN VÀ TUỔI TRẺ – Lời của nhà thơ Thế Lữ
Ngày thắm tươi bên đời xuân mới / Lòng đắm say bao nguồn vui sống
Xuân về với ngàn hoa tươi sáng / Ta muốn hái muôn ngàn đóa hồng
Ngày thắm tươi bên đời xuân mới / Lòng đắm say bao nguồn vui sống
Xuân về với ngàn hoa tươi sáng / Ta muốn luôn luôn cười với hoa
Xuân thắm tươi, én tung bay cao tít trời / Vui sướng đi, cao tiếng ca mừng vui reo
Đừng để lòng thổn thức tình mê đắm / Ta trẻ vui, ta trẻ vui đời xuân thắm tươi
Xuân thắm tươi, én tung bay cao tít trời / Vui sướng đi, cao tiếng ca mừng reo
Đừng để lòng thổn thức tình mê đắm / Ta trẻ vui, ta trẻ vui đời xuân thắm tươi
Vui sướng đi cho đời tươi sáng / Vui sướng đi cho lòng thêm tươi
Ta hát ca đón mừng xuân mới / Ta hát ca cho lòng thêm hăng hái
Hát vang lên đời ta thắm tươi / Tiết xuân huy hoàng muôn sắc hoa
Tiết xuân êm đềm muôn tiếng ca / Hát vang hòa lòng thêm hăng hái
Hát vang lên đời ta thắm tươi / Tiết xuân huy hoàng muôn sắc hoa
Tiết xuân êm đềm muôn tiếng ca / Xuân tưng bừng …
THANH NIÊN DỮ XUÂN THIÊN – Lời của Diệp Truyền Hoa
Tuổi trẻ chảy trong cơ thể bạn / Hy vọng tỏa sáng trong mắt bạn / Nào ngại khổ đau và bệnh tật
Nào ngại bao khó khăn trùng trùng / Tuổi trẻ chảy trong cơ thể bạn
Hy vọng tỏa sáng trong mắt bạn / Tình yêu lý tưởng của thanh niên
Tuổi trẻ luôn hướng về phía trước / Gió xuân thổi nhẹ qua mặt đất
Bao hoa đua nở trên cành cây / Bạn ơi! Lẽ nào chẳng thấy vui sao?
Nghe tiếng chim tranh nhau hót bài hát mùa xuân, bài hát của tuổi trẻ
Các cô gái hãy đến cùng múa nào! / Các chàng trai hãy đến chạy đua nào
Nhảy nhót chạy đua cùng nhau / Cười ha ha, gọi cùng nhau Xuân!
Mang lại tiếng cười và những lời hoan ca / Mang lại sức mạnh và hy vọng
Đôi khi có phiền não mông lung / Hãy để chúng ta cùng hát lên
Xuân! Để ta vui cười và ca hát / Nắm bắt thực tế và lý tưởng
Phá tan phiền não đón nhận ánh sáng rực rỡ
(Dịch giả Hoàng Thu An chuyển ngữ)
Như vậy chúng ta có thể thấy nhà thơ Thế Lữ đã soạn một phần lời mới hoàn toàn cho bài hát của nhạc sĩ La Hối chứ không dựa vào Diệp Truyền Hoa. Đây đó có đôi chỗ, đôi ý tưởng hai thi sĩ giống nhau khi viết về mùa Xuân nhưng Thế Lữ tài hoa hơn (Ngày tháng tươi bên đời xuân mới / Lòng đắm say bao niềm vui sống…; Tiết xuân huy hoàng muôn sắc hoa), độc đáo (Vui sướng đi, cao tiếng ca mừng reo ), hình ảnh đắt hơn (Ta muốn hái muôn ngàn đóa hồng).
Và đặc biệt là tình cảm dạt dào như tâm tình ông gửi vào trong đó khi nói về tuổi trẻ, hướng về tuổi trẻ. Thế Lữ viết như lời của La Hối với kiếp sống ngắn ngủi, lưu luyến trần gian, gửi lại cho tuổi trẻ (Đừng để lòng thổn thức tình mê đắm / Ta trẻ vui đời xuân thắm tươi)…
Định vị quan trọng của nhà thơ Thế Lữ trong bài hát La Hối
Thật ra, những câu chuyện khảo sát của tôi hôm nay về âm nhạc Tiền chiến, ca khúc Xuân và Tuổi trẻ của La Hối hay nhiều nhạc bản khác sắp tới hoàn toàn không xuất phát từ việc móc méo, “xúc bèo ra bọ” hay “bới lông tìm vết” mà chỉ đi từ lòng kính trọng, ngưỡng mộ và tình yêu mà thôi. Vì sao? Chỉ có tình yêu mới giúp chúng ta lên đường, tìm hiểu thêm về tiền nhân, về tác phẩm và cuộc sống của người nghệ sĩ. Tất cả huyền ảo sau lớp lớp thời gian. Chỉ còn những giai thoại, huyền thoại đẹp như giọt sương lung linh trên phấn hoa, cánh bướm.
Vào thời điểm Thế Lữ viết phần lời Việt cho ca khúc Xuân và Tuổi trẻ, theo tôi có những ghi chú quan trọng như sau để hiểu thêm vì sao bài hát nổi tiếng rất nhanh về sau đó. Thứ nhất, ông đã có vị trí vững vàng trên thi đàn. Cùng với Phan Khôi, ông là thi sĩ được lịch sử ghi nhận là mở đầu “Thơ Mới” từ những năm 1930. Những tác phẩm thơ quan trọng của ông như tập thơ Mấy vần thơ (1935) với các bài nổi tiếng Nhớ rừng, Tiếng sáo Thiên Thai, Cây đàn muôn điệu, Lời than thở của một nàng Mỹ thuật… cùng nhiều bài khác.
Bên cạnh đó, ông cũng là cây bút nổi tiếng với loại truyện đường rừng, trinh thám được bạn đọc đặc biệt yêu chuộng như Vàng và máu, Lê Phong phóng viên… Ông cũng là một trong sáu nhà văn sáng lập và điều hành ”Tự lực Văn đoàn” từ buổi đầu tiên. Năm nhân vật còn lại chính là các nhà văn Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thạch Lam và nhà thơ Tú Mỡ.
Ông còn là một nhà báo nổi tiếng khi biên tập cho các tờ như Phong Hóa, Ngày Nay…cùng một số tờ khác. Và ghi chú cuối cùng, Thế Lữ còn là một kịch sĩ viết, đóng và dựng nhiều vở nổi tiếng. Ông cũng đã sáng lập nhiều đoàn Kịch của mình như nhóm kịch Tinh Hoa, ban kịch Thế Lữ… và đoàn kịch Anh Vũ.
Đầu năm 1946, khi Nhật đảo chính Pháp. Thế Lữ đã cùng đoàn kịch Anh Vũ đi lưu diễn khắp đất nước. Hành trình này ông định xuyên Việt dọc quốc lộ, vào Sài Gòn, qua Campuchia rồi mới trở ra Bắc. Đoàn Ca vũ nhạc kịch Anh Vũ bấy giờ ngoài Thế Lữ và vợ – nghệ sĩ Song Kim, cùng nhiều nghệ sĩ nổi tiếng khác còn có các nhạc sĩ Văn Chung, Bùi Công Kỳ, Nguyễn Xuân Khoát… Khi đến Hội An, Thế Lữ mới nghe nhạc bản Thanh niên dữ Xuân thiên của La Hối.
Cảm kích trước sự hy sinh của người nhạc sĩ trẻ tài hoa bị phát xít Nhật bắn chết, vùi chung trong một nấm mồ tập thể gồm 10 người (ngày 19.4 Ất Dậu), một năm trước khi đoàn kịch Anh Vũ đặt chân tới Hội An, Thế Lữ đã chuyển dịch, và viết thêm phần lời bài hát Thanh niên dữ Xuân thiên thành ca khúc nổi tiếng Xuân và Tuổi trẻ.
Một điều ý nghĩa xác định trả lời câu hỏi tại sao bài hát Xuân và Tuổi trẻ nhanh chóng nổi tiếng trong cả ba miền đất nước như vậy? Đó là cũng do chính các thành viên trong đoàn kịch Anh Vũ của Thế Lữ trình diễn, truyền bá khi xuyên Việt, từ Bắc chí Nam và qua tận Campuchia.
Tất nhiên, dài dài về sau Xuân và Tuổi trẻ còn có mặt trong rất nhiều buổi biểu diễn của đoàn và các chương trình nghệ thuật khác.
Những trước tác khác của La Hối
Nhiều tư liệu tôi đọc, cho biết nhạc sĩ La Hối có tư chất thông minh, học giỏi, rất có năng khiếu. Năm 14 tuổi, ông đã chơi được các nhạc cụ mandolin, ghita, accordeon, piano và tự sáng tác các khúc nhạc tươi vui về tuổi học trò để diễn tấu. Năm 1939, La Hối bắt đầu dạy nhạc và cùng với nhạc sĩ Vương Gia Khương, tác giả bài Cờ Việt Minh, thành lập Hội Âm nhạc Hội An do ông là Hội trưởng, tập trung vào hội những thanh niên yêu thích âm nhạc để dìu dắt họ về sáng tác và biểu diễn âm nhạc. Nhiều học trò của La Hối sau này đã trở thành những nhạc sĩ khá nổi tiếng như Lê Trọng Nguyễn, Lan Đài, Dương Minh Ninh, Hồ Vân Thiết, La Xuân, Hoàng Tú Mỹ, Trương Đình Quang…
Trong thời gian từ 1939 – 1944, La Hối đã viết một số hành khúc hùng tráng cổ động tinh thần yêu nước, ý chí chống phát xít xâm lược. Tiêu biểu là ca khúc Gió thiêng liêng ông viết năm 1944, đồng thời gian với ca khúc Printemps et la Jeunesse. Bài này có những lời hào hùng, lạc quan phơi phới như: “Lời đất nước gieo niềm tin / Gió lên kia rồi / Gió thiêng liêng bừng chí thanh niên / Lời đất nước giục lòng ta…”.
Tháng 5.1945, ông và 9 đồng chí trong tổ chức bị phát xít Nhật bắt giữ. Sau nhiều ngày giam cầm và tra tấn vô cùng dã man nhưng không hề khai thác được gì, ngày 19.4 năm Ất Dậu – tức ngày 30.5.1945, bọn Nhật đem hành hình, bắn ông và 10 người khác tại chân núi Phước Tường – Đà Nẵng.
Cũng có giai thoại hầu hết những sáng tác của nhạc sĩ La Hối có lời hay không lời đều được ông gửi cho người con gái ông yêu lưu giữ. Đó là một thiếu nữ Hội An xinh đẹp, làm nghề dạy đàn piano. Sau khi nhạc sĩ hy sinh, không còn thấy thiếu nữ này ở Hội An nữa.
Cuộc đời ông đẹp như huyền thoại. Và dù có thêm bao thời gian nữa, Xuân và tuổi trẻ vẫn còn trẻ mãi.
La Hối không chết. Ông còn mãi và trẻ mãi…
Nhà báo Nguyễn Hữu Hồng Minh
- “Còn Tuổi Nào Cho Em” và dòng chảy suy tư về tình yêu của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
- Nguyễn Lịnh Nhân Đức, Phạm Xuân Sinh – Phó Vụ Trưởng QHQT Bộ Văn Hóa Thông Tin, Lê Ngọc Thủy Chuyên Viên Bộ Văn Hóa Thông Tin và Lê Sơn tại Hà Nội
- MR.DUC NGUYEN: GEARING UP IN HOUSTON AS RELATIONS THAW IN WASHINGTON
- Họp báo tại triễn lãm dầu khí toàn cầu tại Houston, Texas: Đại Sứ Phạm Văn Quế, Chu Tắc Nhân – Vụ Trưởng Vụ Quan Hệ Quốc Tế, Nguyễn Lịnh Nhân Đức, Tom Gautier GĐ Điều Hành PIN
- NGUYỄN LỊNH NHÂN ĐỨC – DÁM NGHĨ, DÁM LÀM