01. Huyền thoại Trịnh Công Sơn và những tình khúc bất hủ

Nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn và những điều bạn chưa tỏ

Trịnh Công Sơn (28/2/1939 – 1/4/2001) là một trong những nhạc sĩ gạo cội, tài hoa của nền âm nhạc Việt Nam. Ông được người đời thán phục với những bản tình ca huyền thoại trường tồn theo năm tháng. Âm nhạc cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mang thiên hướng hoài niệm, chứa đựng nhiều tâm sự, trăn trở về cuộc đời, khác biệt hoàn toàn với những dòng nhạc khác trên thị trường. Ngày 1/4/2021 vừa qua là tròn 20 năm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vĩnh biệt dương gian, nhưng những ca khúc bất hủ, huyền thoại Trịnh ca một thời vẫn luôn sống mãi trong lòng khán giả Việt và thay ông sống tiếp với cuộc đời, với nghệ thuật.

Cuộc đời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sẽ mãi mãi là một bản tình ca nhạc họa. Để rồi sau khi ông ra đi, hàng triệu con tim Việt thổn thức mỗi khi nghe “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi”. Bài viết này hãy cùng Nguyễn Đức Music tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của vị nhạc sĩ tài hoa này nhé! 

Tiểu sử nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
Tiểu sử nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

I. Tiểu sử nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sinh ngày 28 tháng 2 năm 1939 tại cao nguyên Lạc Giao (xã Lạc Giao – hiện nay là phường Thống Nhất, Buôn Mê Thuột), tỉnh Đắk Lắk. Cha mẹ của ông đều là người Huế, quê quán làng Minh Hương, xã Vĩnh Tri, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Mẹ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là bà Lê Thị Quỳnh. Bà được nhắc đến trong rất nhiều nhạc phẩm của ông. Khi còn là thiếu nữ, bà Quỳnh là hoa khôi trường Đồng Khánh. Bà là người phụ nữ dịu dàng nhân hậu, lại thông minh, uyên bác. Chính vì thế đã có rất nhiều người đem lòng si mê, muốn lấy về làm vợ.

Tuy được sinh ra trong một gia đình khá giả, nhưng tuổi thơ của vị nhạc sĩ tài hoa không mấy suôn sẻ. Cha ông vì tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp nên nhiều lần bị địch bắt, bị tra tấn vô cùng dã man. Nhạc sĩ họ Trịnh từng chia sẻ ông đã từng có cơ hội vào thăm cha, hình ảnh cha bị tra tấn, máu me đầy người suốt đời ông không bao giờ có thể quên được.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã 16 lần chuyển trường vì cha tham gia hoạt động chống Pháp. Khi gia đình Trịnh Công Sơn về Huế sinh sống từ năm 1943, ông được theo học tại trường Lycee Francais. Hiện nay chính là trường tiểu học Lê Lợi. Sau đó, nhạc sĩ tài hoa thi đỗ trường Providence nay là trường Đại Học Khoa Học Huế. Ông từng vào Sài Gòn để học trường Lycée Jean Jacques Rousseau, hiện tại là trường Lê Quý Đôn và tốt nghiệp tú tài tại đây. Ông trải qua nhiều biến cố lớn trong cuộc đời. Cha ông mất vì tai nạn giao thông khi nhạc sĩ họ Trịnh chỉ mới 16 tuổi. Mẹ ông đang mang bầu em gái út được 4 tháng. Tất cả những mất mát này đã trở thành nỗi ám ảnh trong cuộc đời và sự nghiệp âm nhạc của ông, biến ông từ một chàng trai trẻ thành người sống nội tâm, đau đáu sự đời. 

Như lời kể của bà Trịnh Vĩnh Trinh (em gái cố nhạc sĩ): “Năm anh Sơn 18 tuổi, ba mất, để lại mẹ và bảy người em. Lúc đó, anh còn quá trẻ, không biết phải làm sao. Mấy tháng liền, trời nắng chang chang, anh lên mộ ba ngồi cả ngày. Anh ốm nặng một trận. Khi khỏi, anh nhờ má mua cho cây đàn để viết nhạc”. Bà Trịnh Vĩnh Trinh kể ở tuổi 18, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã trở thành trụ cột gia đình. Ông loay hoay không biết phải bắt đầu thế nào sau khi ba mất. Ông mua rất nhiều sách để đọc và dạy các em. Ông coi trọng lễ nghi, luôn dặn dò các em không được gắp thức ăn trước người lớn trong bữa cơm, không được chống hai tay trên bàn khi có bề trên. Ông nghiêm khắc, từng đánh đòn em. Nhưng sau này, ông hối hận nói: “Lúc đó anh còn trẻ quá, chẳng biết làm sao”

Cùng năm 18 tuổi, nhạc sĩ họ Trịnh gặp một tai nạn rất nghiêm trọng trong quá trình tập võ thi lên đai cùng em trai Trịnh Quang Hà. Sau tai nạn đó, ông đã nằm liệt giường đến gần 2 năm. Trong năm đầu tiên, ông không tự ăn uống được, chỉ có thể nằm một chỗ. Khoảng thời gian nằm bệnh cũng là lúc cơ duyên đến với âm nhạc của Trịnh Công Sơn được bén rễ. Thời gian nằm bệnh, ông đã tìm hiểu và dồn hết thời gian để đọc nhiều sách về triết học, văn học, dân ca. Cố nhạc sĩ từng thổ lộ: “Khi rời khỏi giường bệnh, trong tôi đã có một niềm đam mê khác – âm nhạc. Nói như vậy hình như không chính xác, có thể những điều mơ ước, khát khao đó đã ẩn chứa từ trong phần sâu kín của tiềm thức bỗng được đánh thức, trỗi dậy”. 

Suốt đời, Trịnh Công Sơn yêu nhiều nhưng không chính thức kết hôn với ai, và cũng chưa chính thức công nhận con. Ông mất tại Thành phố Hồ Chí Minh vì bệnh gan, thận và tiểu đường lúc 12h45 ngày 1 tháng 4 năm 2001 (tức ngày 8 tháng 3 năm Tân Tỵ). Từ đó hàng năm giới hâm mộ đều lấy ngày này làm ngày tưởng niệm cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vì những huyền thoại ông để lại cho đời. 

Các nghệ sĩ tổ chức đêm nhạc kỉ niệm 20 năm ngày tưởng niệm cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
Các nghệ sĩ tổ chức đêm nhạc kỉ niệm 20 năm ngày tưởng niệm cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

II. Sự nghiệp 

1. Bén duyên với âm nhạc

Sau khi ba qua đời, việc kinh doanh của gia đình cố nhạc sĩ trở nên khó khăn hơn, cuộc sống gia đình chật vật hơn bởi hàng loạt biến cố xảy đến. Trịnh Công Sơn rơi vào tình trạng cô đơn và bắt đầu tự học guitar để tìm vui.  Năm 1958, ông bắt đầu chắp bút sáng tác nên ca khúc “Ướt mi” khiến những người thân yêu của ông đều vô cùng bất ngờ về khả năng âm nhạc đặc biệt. Theo nhạc sĩ Trần Tiến, ông cho biết rất nhiều bài hát đã được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng tác trước bài “Ướt mi” như bài “Sương đêm” và “Sao chiều” năm 17 tuổi, nhưng riêng tác phẩm này đã tồn tại như một số phận. Bởi đây có thể coi là tác phẩm đầu tiên của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được công bố chính thức vào năm 1959. Ông đã viết tặng ca khúc “Ướt mi” cho nữ ca sĩ người Huế có giọng hát trầm buồn Thanh Thúy thể hiện.

Cuộc đời và sự nghiệp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
Cuộc đời và sự nghiệp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
Tính nhân văn trong dòng chảy nhạc Trịnh
Tính nhân văn trong dòng chảy nhạc Trịnh

Vì điều kiện kinh tế gia đình không cho phép, sau khi khỏi bệnh và tốt nghiệp tú tài năm 1962, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn học ở Trường Sư Phạm và Kỹ Thuật Quy Nhơn ngành Tâm lý giáo dục trẻ em. Quy Nhơn là nơi nuôi dưỡng tài năng âm nhạc và có nhiều gắn bó mật thiết với cố nhạc sĩ trong giai đoạn sáng tác đầu tiên. Nhiều ca khúc nổi tiếng của ông đã được ra đời tại đây, trong đó có ca khúc Biển nhớ, Nắng thủy tinh, Hoa buồn, Nhìn những mùa thu đi. Ông được chọn làm trưởng ban văn nghệ, có cơ hội bén duyên và thỏa mãn niềm đam mê âm nhạc của mình.

Với mong muốn tạo được ấn tượng mạnh, bản sắc riêng, Ban Văn nghệ Trường Sư phạm Quy Nhơn đề nghị Trịnh Công Sơn sáng tác một trường ca để trình diễn trong Đại nhạc hội lần thứ nhất. Trịnh Công Sơn thể hiện tư tưởng “dã tràng xe cát” vào trường ca mang tên Tiếng hát dã tràng (hay còn được gọi là Dã Tràng Ca). Đây là bản trường ca đầu tiên ghi nhiều dấu ấn của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đến cả cuộc đời sáng tác âm nhạc sau này. Bản trường ca đầy ưu tư này được Ban hợp ca của Trường Sư phạm Quy Nhơn dàn dựng trình diễn rất thành công trong Đại nhạc hội lần thứ nhất năm 1962.

Suốt khoảng thời gian học Sư phạm Quy Nhơn, vị nhạc sĩ tài hoa đã sáng tác rất nhiều ca khúc để đời. Tuy không xuất bản nhưng viết xong bài nào là ông đưa cho các bạn trong Ban Văn nghệ của trường xướng âm và hát ngay bài đó. Bởi thế, những sáng tác của ông được bạn bè thuộc nhiều và xác nhận đó là tác phẩm của ông. Năm 1964, sau khi tốt nghiệp, Trịnh công Sơn cùng với người bạn giáo sinh văn nghệ ở trường là Lê Thị Ngọc Trinh được phân về dạy học tại một trường tiểu học ở Bảo Lộc, Lâm Đồng. Ở đây, Ngọc Trinh tiếp tục hát những bài mới của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng tác ở cao nguyên.

Cùng năm 1964, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gặp gỡ với ca sĩ Khánh Ly. Ông nhận thấy cô ca sĩ này có chất giọng rất phù hợp với những sáng tác của mình nên ngỏ ý mời hợp tác vào Sài Gòn biểu diễn. Nhưng vì chưa muốn rời Đà Lạt để vào Sài Gòn, Khánh Ly đã từ chối lời mời của vị nhạc sĩ trẻ. Trịnh Công Sơn đành trở về với nghề giáo và sáng tác thêm nhiều ca khúc mới mẻ. Trong những năm tháng này, một mối tình đẹp đẽ chớm nở giữa Trịnh Công Sơn và Dao Ánh. Ông đã tự tay gửi khoảng 300 bức thư tình về Huế cho người thương cùng rất nhiều ca khúc như Còn Tuổi Nào Cho Em, Ru Em Từng Ngón Xuân Nồng, Mưa Hồng…

Vào mùa hè năm 1967, Trịnh Công Sơn vô tình gặp lại Khánh Ly tại Sài Gòn. Và từ đó, cả hai đã chính thức kết hợp với nhau và trở thành một cặp đôi huyền thoại ăn ý trong âm nhạc Việt Nam.

Trịnh Công Sơn và Khánh Ly - Một cặp đôi huyền thoại ăn ý trong âm nhạc Việt Nam
Trịnh Công Sơn và Khánh Ly – Một cặp đôi huyền thoại ăn ý trong âm nhạc Việt Nam

Ca sĩ Khánh Ly và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã có những buổi trình diễn ngoài trời không công và không thù lao cho sinh viên tại Quán Văn (mà theo Khánh Ly, đó là một quán lá sơ sài dựng trên một nền gạch đổ nát) nằm trên bãi đất rộng sau trường Đại học Văn Khoa Sài Gòn. Họ tiếp tục trình diễn khắp mọi nơi ở miền Nam Việt Nam, nhất là trong sân cỏ trường đại học. Tên tuổi của cả hai nhanh chóng nổi lên như một hiện tượng. Âm nhạc Trịnh Công Sơn dần trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu với tầng lớp sinh viên, tri thức. 

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng chia sẻ: “Gặp gỡ ca sĩ Khánh Ly là một may mắn tình cờ, không phải riêng cho tôi mà còn cho cả Khánh Ly. Lúc gặp Khánh Ly đang hát ở Đà Lạt, lúc đó Khánh Ly chưa nổi tiếng nhưng tôi nghe qua giọng hát thấy phù hợp với những bài hát của mình đang viết và lúc đó tôi chưa tìm ra ca sĩ nào ngoài Khánh Ly. Tôi đã mời Khánh Ly hát và rõ ràng giọng hát của Khánh Ly rất hợp với những bài hát của mình. Từ lúc đó Khánh Ly chỉ hát nhạc của tôi mà không hát nhạc người khác nữa. Đó cũng là lý do cho phép mình tập trung viết cho giọng hát đó và từ đó Khánh Ly không thể tách rời những bài hát của tôi cũng như những bài hát của tôi không thể thiếu Khánh Ly”, còn ca sĩ Khánh Ly đã trải lòng về giai đoạn cơ cực đói khổ nhưng đầy hạnh phúc những năm 1960 ấy: “Thực sự tôi rất mê hát. Không mê hát thì tôi không có đủ can đảm để đi hát với anh Sơn mười năm mà không có đồng xu, cắc bạc nào, phải chịu đói, chịu khổ, chịu nghèo, không cần biết đến ngày mai, không cần biết tới ai cả, mà chỉ cảm thấy mình thực là hạnh phúc, cảm thấy mình sống khi mình được hát những tình khúc của Trịnh Công Sơn”.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng bước trở thành nhạc sĩ gạo cội hàng đầu của nền âm nhạc nước nhà. Đến nay âm nhạc của ông vẫn còn nguyên giá trị với thời gian.

2. Tình ca Trịnh Công Sơn

Có lẽ những bản tình ca bất hủ đã chiếm lĩnh gần như trọn vẹn sự nghiệp âm nhạc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Tình yêu là đề tài lớn và ảnh hưởng nhất trong các tác phẩm của Trịnh Công Sơn. Những khúc tình ca nhạc Trịnh chiếm đa số trong danh mục nhạc phẩm của ông. Khả năng viết nhạc tình ca của Trịnh Công Sơn tưởng chừng không biết mai một theo năm tháng, theo thời đại: từ 1958 với “Ướt mi” đã nổi tiếng cho đến thập niên 1990 ông vẫn có những tình ca được nhiều người ưa thích: “Như một lời chia tay”, “Xin trả nợ người”…

Những bản tình ca bất hủ dường như đã chiếm trọn cuộc đời sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
Những bản tình ca bất hủ dường như đã chiếm trọn cuộc đời sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Nhạc tình của ông đậm chất thơ, thâm trầm sâu sắc. Không thể không nhắc đến “Diễm xưa”, “Biển nhớ” với những khúc tình ngầm mang sầu ly biệt hoặc khúc sầu muộn, tiếc nuối những gì đã qua với “Hoa vàng mấy độ”, “Em còn nhớ hay em đã quên”, Tình xa”, những bài triết lý mang dáng vẻ ngậm ngùi, lặng lẽ của người tình từng trải như “Mưa hồng”, “Cỏ xót xa đưa”,… Đa số những ca khúc này mang giai điệu nhẹ nhàng, tiết tấu chậm, thích hợp với điệu Boston, Blues hay Slow. Những tình khúc vàng không có tuổi dường như đã chiếm trọn trái tim của những thế hệ yêu nhạc.

Nhạc tình của Trịnh Công Sơn rất phổ biến tại Việt Nam và hải ngoại. Với giai điệu gần gũi và ca từ có màu trừu tượng, ý nghĩa sâu lắng, nhạc của ông dễ dàng đi vào lòng công chúng.

Những ca khúc huyền thoại bất hủ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn về cuộc đời và thân phận con người
Những ca khúc huyền thoại bất hủ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn về cuộc đời và thân phận con người

3. Nhạc về thân phận con người

Có một đánh giá khá phổ biến cho rằng nhạc Trịnh quá đơn điệu về đề tài, chủ yếu tập trung vào tâm trạng mơ hồ, mộng tưởng cuộc đời. Đánh giá này trùng khớp với lời lý giải của ông về những sáng tác của mình về thân phận con người. Vị nhạc sĩ tài hoa chia sẻ: “Tôi chỉ là 1 tên hát rong đi qua miền đất này để hát lên những linh cảm của mình về những giấc mơ đời hư ảo…”. Hai mảng đề tài lớn nhất trong âm nhạc Trịnh Công Sơn là tình yêu và thân phận con người.

Với hơn 600 bản tình ca bất hủ ông để lại cho đời, mỗi khi những ca từ ấy được cất lên, người ta luôn tìm thấy bóng dáng của mình trong đó, để rồi thổn thức, ưu tư phải sống thế nào cho tốt hơn, nhân ái hơn. Nhiều người hát nhạc Trịnh cho chính mình nghe. Họ không phải hát để thể hiện mà hát bởi vì nhạc Trịnh đã nhập vào họ bởi cái “hồn”, cái đời của bài hát. Điều khiến nhạc Trịnh trở nên được yêu mến có lẽ bởi những bài hát của ông không chỉ nói về tình yêu mà còn nói về thân phận. Ai hát và nghe nhạc Trịnh cũng đều thấy mình một chút trong đó.

Mãi sau khi nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn giã biệt cõi trần về với đất mẹ, hàng triệu con tim người Việt yêu nhạc Trịnh ở thế kỷ 20 và hậu thế sau này vẫn luôn dành sự ngưỡng mộ với những tình khúc bất hủ của ông. Ở Trịnh Công Sơn có “chất phiêu hiếm độc”, chất lãng tử đặc biệt duy chỉ tìm thấy ở riêng ông. Những huyền thoại Trịnh ca mang hơi thở và cái “hồn” họ Trịnh. Có ca khúc chất chứa niềm đau của một kiếp người phiêu bạt, có những ca từ thâm sâu vụn vỡ từ trái tim lãng tử, có những lời tự tình và có những lời ca bay bổng hùng tráng như đoàn quân ra trận. 

Nhạc về thân phận con người chứa đựng nhiều cảm xúc
Nhạc về thân phận con người chứa đựng nhiều cảm xúc

4. Nhạc phản chiến

Khát vọng thái hòa trong những ca khúc phản chiến của Trịnh Công Sơn
Khát vọng thái hòa trong những ca khúc phản chiến của Trịnh Công Sơn

Ngoài những khúc tình ca, tên tuổi của vị cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn còn gắn liền với một thể loại âm nhạc mang tính chất chống lại chiến tranh, ca ngợi hòa bình mà người ta thường gọi là nhạc phản chiến. Các ca khúc phản chiến bất hủ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong thập niên 60 và 70 đã để lại dấu ấn trong tim không biết bao nhiêu thế hệ. Sau này để tránh nhầm lẫn với những ca khúc cùng chủ đề của các tác giả khác, người ta đã đặt cho nhạc phản chiến của ông với một tên gọi tài tử hơn là “Ca khúc da vàng”.

Theo họa sĩ Bửu Chỉ, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn bắt đầu sáng tác những ca khúc phản chiến vào khoảng năm 1965 – 1966. Nhạc phản chiến của ông phần lớn viết bằng điệu Blues, cộng với lời ca chân tình thống thiết, trở nên những bài hát rất cảm động nhưng không hề yếu đuối, ủy mị. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và ca sĩ Khánh Ly đã mang những ca khúc này đến nhiều nơi tại miền Nam và được giới sinh viên nhiệt tình ủng hộ. Đây cũng là thể loại nhạc làm cho danh tiếng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lan ra thế giới: nhờ nhạc phản chiến ông được một Đĩa Vàng (giải thưởng âm nhạc) tại Nhật và có tên trong từ điển bách khoa của Pháp.

Nhạc phản chiến của vị nhạc sĩ họ Trịnh tài hoa được cho là có vai trò không nhỏ trong giai đoạn cuối của chiến tranh Việt Nam. Cũng vì loại nhạc này mà ông đã bị tẩy chay nhiều lần từ cả hai phe đối địch. Nhưng về phía ông, ông không thể phủ nhận rằng ông đã trở thành một tên tuổi đặc biệt nhờ vào dòng nhạc này. Cho đến nay, sau hơn 30 năm hòa bình, rất nhiều bài hát của ông vẫn còn bị cấm trình diễn tại Việt Nam, dù rất phổ biến (và được Khánh Ly phát hành băng nhạc) tại miền Nam trong thời chiến tranh Việt Nam (như bài Chính chúng ta phải nói hòa bình, Hát trên những xác người, Ta đi dựng cờ, Ta quyết phải sống).

5. Nhạc khác

Ngoài các bản nhạc tình và nhạc phản chiến, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn còn để lại những tác phẩm viết về quê hương như “Chiều trên quê hương tôi”. Những tác phẩm về quê hương của ông thể hiện quan điểm chính trị rõ hơn như “Huế – Sài Gòn – Hà Nội”, “Việt Nam ơi hãy vùng lên” (1970), “Nối vòng tay lớn”, “Chưa mất niềm tin” (1972)… trong đó có những bài rời được sáng tác ngay trong những cuộc xuống đường biểu tình cùng thanh niên, sinh viên, học sinh.

Những năm sau 1975, sau thời gian tập trung lao động, ông đã chính thức làm việc tại Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh, cụ thể là tạp chí Sóng nhạc. Từ thập niên 1980, nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn bắt đầu hành trình sáng tác lại và có viết một số ca khúc có nội dung ca ngợi chế độ mới như “Em ở nông trường em ra biên giới”, “Huyền thoại Mẹ”, “Ánh sáng Mạc Tư Khoa”, “Ra chợ ngày thống nhất”. Về sau, ông cũng viết nhạc cho thiếu nhi (trong tập nhạc “Cho Con”, xuất bản năm 1991), nhiều bài rất nổi tiếng như “Em là hoa hồng nhỏ”, “Mẹ đi vắng”, “Em đến cùng mùa xuân”, “Tiếng ve gọi hè”, “Tuổi đời mênh mông”, “Mùa hè đến”, “Tết suối hồng”, “Khăn quàng thắp sáng bình minh”, “Như hòn bi xanh”, “Đời sống không già vì có chúng em”.

Hiện nay, bản quyền các tác phẩm của ông thuộc quyền thừa kế và sở hữu bởi Trịnh Vĩnh Trinh (em gái ông, sống tại Việt Nam) và Trịnh Xuân Tịnh (anh trai ông, sống tại Mỹ). Mỗi người anh em giữ một nửa quyền sở hữu với các tác phẩm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Bản quyền có thời hạn đến hết 50 năm sau ngày ông qua đời. Ngoài âm nhạc, tác phẩm của ông còn gồm nhiều thể loại thuộc các lĩnh vực như thơ, văn và hội họa.

6. Đóng góp cho điện ảnh

Hẳn nhắc đến nhạc Trịnh và cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, ai cũng biết đến ông là một nhạc sĩ đại tài hoa, là huyền thoại một thời với những ca khúc, câu từ đi vào lòng người biết bao thế hệ. Tuy nhiên ít người biết hoặc nhớ rằng, ông cũng từng đảm nhiệm những vai diễn đắt giá trong nền điện ảnh nước nhà.

Phim Đất khổ do nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thủ vai chính
Phim Đất khổ do nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thủ vai chính

Hãy cùng nhìn lại vai diễn để đời của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trên màn ảnh. Năm 32 tuổi, ông đã từng đảm nhận vai chính trong phim “Đất khổ” (tên tiếng Anh “Land of sorrows”). Người thực hiện bộ phim này là đạo diễn Hà Thúc Cần – một người bạn thân thiết với gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Sau này, ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh – em gái nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng chia sẻ kịch bản phim “Đất khổ” được đạo diễn viết dựa trên chính câu chuyện của cố nhạc sĩ họ Trịnh cùng cuộc đời của ông.

Trong phim, ông được hóa thân vào vai chàng trai Trịnh Quân với dáng vẻ phong trần, lãng tử, tài hoa và yếu đuối. Những thước phim xoay quanh câu chuyện về sức ảnh hưởng và tác động của chiến tranh lên một gia đình gốc Huế. Bộ phim không đi sâu vào miêu tả sự khốc liệt của thời chiến hay các thế lực thù địch đối kháng. Mà thay vào đó, những câu chuyện về tình thân gia đình, tình yêu và bao trùm lên tất cả là lòng yêu nước được lồng ghép trong phim đầy tính nhân văn.

Xuất hiện trong “Đất khổ”, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được tạo hình gần giống với ngoài đời. Vẫn mái tóc dài vuốt ra phía sau để lộ vầng trán rộng, cặp kính cận to, mang trang phục đặc trưng của một thanh niên trí thức nhưng vẫn pha chút phong trần bụi bặm với quần kaki, áo jacket khoác ngoài sơmi, tay ôm guitar say sưa đàn hát về tình yêu và thân phận con người giữa bom rơi đạn nổ. Dù đây là lần đầu tiên nhạc sĩ diễn xuất trước ống kính máy quay, song vị nhạc sĩ họ Trịnh tài hoa, phong nhã đã đem đến cho người xem những cảm xúc rất tự nhiên và chân thực. Bộ phim này cũng được xem là những tư liệu quý lưu lại hình ảnh về con người và khung cảnh của cố đô Huế thời bấy giờ.

Bộ phim hoàn tất vào năm 1974, nhưng chỉ được chiếu cho công chúng xem 2 lần và không được phép trình chiếu ở Miền Nam Việt Nam với lý do “có tính phản chiến”. Sau năm 1975, bộ phim đã không được trình chiếu tại Việt Nam. Cuối cùng, một bản phim đã về tay nhà thơ Đỗ Trung Quân. Bộ phim được chọn là phim Việt Nam chính trong Liên hoan phim Á Mỹ vào năm 1996.

III. Giải thưởng – Tôn vinh

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là một trong những nhạc sĩ lớn nhất của Tân nhạc Việt Nam. Ông được mệnh danh là “Bob Dylan của Việt Nam” ở phương Tây. Cùng Nguyễn Đức Music điểm qua mốc son đáng nhớtrong sự nghiệp của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nhé!

1. Giải thưởng

  • Năm 1969, ca khúc “Ngủ đi con” được thể hiện bởi ca sĩ Khánh Ly (Lullaby) trở thành hit tại Nhật Bản với hơn 2 triệu đĩa được phát hành và đem lại cho ông giải thưởng Đĩa Vàng vào năm 1972. Cũng vào năm này, hãng đĩa Nippon Columbia đã gửi lời mời ca sĩ Khánh Ly thu băng lần thứ hai các nhạc phẩm Trịnh Công Sơn. 
  • Giải thưởng cho Bài hát hay nhất trong phim “Tội lỗi cuối cùng”
  • Giải nhất cuộc thi “Hai mươi năm sau” với nhạc phẩm “Hai mươi mùa nắng lạ”.
  • Giải nhất cuộc thi “Những bài hát hay nhất sau 10 năm chiến tranh” nhờ ca khúc “Em ở nông trường, em ra biên giới”.
  • Năm 1997, chuỗi bài hát “Sóng về đâu”, “Ta đã thấy gì hôm nay”, “Xin trả nợ người” và “Em đi bỏ lại con đường” của ông đoạt giải thưởng lớn do Hội Nhạc Sĩ bình chọn. Sau đó, tên của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn xuất hiện trong từ điển bách khoa Pháp Les Million của Pháp.
  • Năm 2004, Giải thưởng Âm nhạc hòa bình thế giới (World Peace Music Awards) được trao cho ông vì “lý tưởng hòa bình mà ông đã đấu tranh không mệt mỏi cho nhân loại”. Giải thưởng này được trao cho cố Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Cùng với đó là các nghệ sĩ của Mỹ gồm: nhạc sĩ nhạc country Joe McDonald, Bob Dylan, Harry Belafonte, Joan Baez và nhóm Peter, Paul & Mary. Giải thưởng này tôn vinh những nhân vật đã có đóng góp lớn lao cho nền hòa bình trong thời đại của họ.
Những mốc son đáng nhớ trong sự nghiệp âm nhạc Trịnh Công Sơn
Những mốc son đáng nhớ trong sự nghiệp âm nhạc Trịnh Công Sơn

2. Tôn vinh

  • Nhiều nghệ sĩ tổ chức những đêm nhạc, chương trình, triển lãm nghệ thuật và sự kiện tưởng nhớ cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Nhiều hoạt động tưởng nhớ 20 năm ngày mất nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
Nhiều hoạt động tưởng nhớ 20 năm ngày mất nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
  • Trong Lễ trao giải Làn sóng xanh năm 2005, 10 ca sĩ nổi tiếng của Việt Nam đã thực hiện Liên khúc Trịnh Công Sơn để tôn vinh ông và kỉ niệm 5 năm ngày mất của nhạc sĩ này.
  • Trong cuộc họp chiều 17 tháng 3 năm 2011, Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã chính thức thông qua việc đặt tên của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cho con đường dài 600 mét, rộng 11 mét lát nhựa mới mở ven sông Hương thuộc phường Phú Cát, thành phố Huế.
  • Ngày 11/5/2018, phố đi bộ Trịnh Công Sơn chính thức được khai trương. Phố đi bộ Trịnh Công Sơn bắt đầu từ ngõ 612 Lạc Long Quân đến dốc đê Âu Cơ, thuộc phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội. Phố Trịnh Công Sơn trước đây là một con ngõ nối với đường Lạc Long Quân. Sau khi được cải tạo mở rộng, con đường này được nâng cấp lên phố và được đặt tên theo cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từ tháng 8/2015. Ngày 19/8/2017, phố đã được phê duyệt trở thành phố đi bộ. 
Phố đi bộ Trịnh Công Sơn ở Hà Nội
Phố đi bộ Trịnh Công Sơn ở Hà Nội
Những tác phẩm nghệ thuật được trưng bày để tưởng nhớ cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
Những tác phẩm nghệ thuật được trưng bày để tưởng nhớ cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
Google vinh danh nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với biểu tượng doodle
Google vinh danh nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với biểu tượng doodle
  • Ngày 28 tháng 2 năm 2019, vị cố nhạc sĩ đại tài hoa Trịnh Công Sơn trở thành nhân vật xuất hiện trên trang chủ tiếng Việt của công cụ tìm kiếm phổ biến nhất thế giới Google nhân dịp sinh nhật lần thứ 80 của ông. Đây là lần đầu tiên Google Doodle vinh danh một người Việt Nam. Trong thông cáo phát đi của Google có đoạn: “Với một di sản để lại cho làng âm nhạc Việt Nam gồm hơn 600 ca khúc, trong đó có hơn 236 ca khúc được phổ biến rộng rãi và được công chúng tích cực đón nhận và yêu mến, cái tên Trịnh Công Sơn đã trở thành một huyền thoại trong làng âm nhạc Việt, và là một trong những nhạc sĩ vĩ đại nhất trong lịch sử Việt Nam”.

Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn không những là người để lại cho đời hơi thở nhạc Trịnh và lời ca tiếng hát sống mãi với thời gian. Chính bản thân ông cũng đã trở thành một biểu tượng của văn hóa đại chúng, có tầm ảnh hưởng quốc tế. Hàng năm, nhiều người yêu mến nhạc Trịnh vẫn tổ chức những đêm nhạc để tưởng nhớ cố nhạc sĩ. Mặc dù, có rất nhiều các nghệ sĩ thể hiện nhạc Trịnh như Thái Thanh, Ngọc Lan, Tuấn Ngọc, Quang Dũng, Lân Nhã, Lệ Quyên, Trần Thu Hà,… nhưng thành công nhất vẫn là hai “bóng hồng” Khánh Ly và thế hệ sau là Hồng Nhung.

Bút tích nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
Bút tích nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

IV. Bút tích và những câu nói để đời

Bên cạnh âm nhạc, ông còn để lại khá nhiều phát ngôn về quan điểm chính trị cũng như những dòng văn suy niệm về thân phận, cuộc sống, tình yêu.

“…Cuối cùng, lòng yêu thương cuộc sống cũng không giữ lại được đời người. Cuối cùng thì tình yêu cũng không giữ lại được người mình yêu. Càng sống nhiều người ta càng thấy cái chết dễ dàng đến với bất kì ai, chết thì quá dễ mà sống thì quá khó. Hôm nay, ta gặp nhau đây, ngày mai lại gặp nhau. Sống thì có hẹn hò hôm nay, ngày mai. Chết thì chẳng có cuộc hẹn hò nào cả. Càng yêu ta càng thấy: Có tình tình yêu thì khó, mất tình yêu thì quá dễ. Hôm qua còn nói yêu nhau đấy, hôm nay đã mất rồi. Mất sạch như người buôn mất vốn liếng. Cứ tự an ủi mình và tự nghĩ rằng: khi mình đang đau khổ thì có một kẻ khác đang hạnh phúc. Và biết đâu cái thời gian được yêu thì một người khác đang đau khổ vô cùng. Nghĩ thế thấy cuộc đời cũng nhẹ nhàng hơn và dễ tha thứ cho nhau. Sống mà giữ trong lòng một nỗi hờn oán thì cũng nặng nề…”

“…Có người bỏ cuộc đời mà đi như một giấc ngủ yên. Có người bỏ cuộc tình mà đi như một người đãng trí. Dù sao cũng đã lãng quên nơi này để tìm về một chốn khác. Phụ đời và phụ người cũng như thế mà thôi. Người ở lại cũng nhớ thương một bóng hình đã mất. Khó mà quên nhau, khó mà xoá trong nhau một nỗi ngậm ngùi. Tưởng rằng có thể dễ quên đi một cuộc tình hoá ra chẳng bao giờ quên được. Mượn cuộc tình này để xóa đi cuộc tình khác chỉ là sự vá víu tâm hồn. Những mảnh vá ấy chỉ để làm bằng phẳng bên ngoài mà thôi. Mỗi người vì ngại chết mà muốn sống. Mỗi con người vì sợ mất tình mà giữ trong lòng một nỗi nhớ nhung…” – Trịnh Công Sơn

Nhiều nghệ sĩ dành những lời trân trọng cho cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
Nhiều nghệ sĩ dành những lời trân trọng cho cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

V. Nhận xét của các nhạc sĩ khác

Nhạc tình của Trịnh Công Sơn rất phổ biến tại Việt Nam, nhạc sĩ Thanh Tùng từng gọi Trịnh Công Sơn là “người Việt viết tình ca hay nhất thế kỷ”.

Nhạc sĩ Phú Quang từng trải lòng: “Ngày xưa tôi rất quý anh Trịnh Công Sơn và ngược lại. Tôi yêu sự chân thành, dễ thương và trân trọng, tài năng của con người đó. Mặc dù, âm nhạc của anh ấy không phải là cái gì quá ghê gớm nhưng có mấy ai mà có cả đủ tâm lẫn tài như thế”.

Nhạc sĩ Phạm Duy chia sẻ nỗi lòng đau đáu của mình: Tình yêu trong nhạc của anh là những cảm xúc dữ dội như trái phá con tim mù lòa, như nỗi chết cơn đau thật dài, như vết thương mở rộng. Cuộc đời là hư vô chủ nghĩa, con người sống trong cảnh Chúa, Phật bỏ loài người. Cuộc đời còn là đám đông nhưng cũng là quán không. Con người là cát bụi mệt nhoài, bao nhiêu năm làm kiếp con người, chợt một chiều tóc trắng như vôi. Tất cả nói lên sự muộn phiền, đau đớn. Buồn tủi cho thân phận con người nên nhánh cỏ cũng xót xa, phiến đá cũng ưu phiền, và chỉ còn những mưa và mưa để xoa dịu vết thương mở lớn! Trịnh Công Sơn nói lên nỗi bàng hoàng của con người khi thấy cái chết nằm ngay trong sự sống”.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa dành sự trân quý nhạc Trịnh và vị cố nhạc sĩ tài hoa này: “Trịnh Công Sơn là nhạc sĩ có nhiều người hâm mộ nhất. Đi đến đâu, tôi cũng thấy người ta hát ca khúc của anh. Nhạc Trịnh không chỉ ngự trị khắp mọi xó xỉnh của xứ Việt này mà còn len lỏi đến tận những ngóc ngách sâu thẳm nhất trong cõi tinh thần của người Việt ở Hải ngoại. Dường như ở đâu, Trịnh Công Sơn cũng có người yêu mến”.

“Cả nhạc lẫn lời, cả xác chữ lẫn hồn thơ, nghe bảng lảng, mơ hồ khó phân định cho đúng nghĩa, nhưng nếu nghe kỹ cũng tìm ra ý chính: Trịnh Công Sơn muốn nói lên nỗi đau con người trong cuộc sống hiện đại, có tình yêu, có chiến tranh, có hận thù, có cái chết dễ dàng như chết trong mơ Anh ca tụng tình yêu và cũng như bất cứ nghệ sĩ nào ở trên đời này, anh chống bạo lực và chống chiến tranh” – Trích trong hồi ký Phạm Duy III, thời phân chia Quốc – Cộng.

“Cái quyến rũ của nhạc Trịnh Công Sơn có lẽ là ở chính chỗ không định tạo ra một trường phái nào, một triết học nào, mà vẫn thấm vào lòng người như suối tưới. Với những lời, ý đẹp và độc đáo đến bất ngờ hôn phối cùng một kết cấu đặc biệt như một hình thức của dân ca hầu như không thay đổi, Trịnh Công Sơn đã chinh phục hàng triệu con tim, không chỉ ở trong nước, mà ở cả ngoài biên giới nữa” – Trích trong lời bạt cuối sách trong cuốn nhạc Em còn nhớ hay em đã quên, xuất bản năm 1997.

VI. Tổng kết

Những người yêu nhạc Trịnh giờ đây có thể hát cùng nhau hàng giờ những ca khúc huyền thoại Trịnh Công Sơn. Cất lên những câu hát “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi…” rồi đắm mình trong cõi âm thanh huyền thoại Trịnh ca. Nếu bạn là một người yêu và ngưỡng mộ những tình khúc nhạc Trịnh và muốn thể hiện những ca khúc đó cùng những tri kỷ, tâm tình của mình, hãy cứ cất tiếng hát và sống trong tình yêu nhạc Trịnh nhé! 

Cùng hát karaoke những khúc ca nhạc Trịnh tại đây!

"Khi bạn hát một bản tình ca là bạn đang muốn hát về cuộc tình của mình. Hãy hát đi đừng e ngại. Dù hạnh phúc hay dở dang thì cuộc tình ấy cũng là một phần máu thịt của bạn rồi" - Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
Cùng hát nhạc Trịnh Công Sơn

Thông tin liên hệ Nguyễn Đức Music

NGUYỄN ĐỨC MUSIC – PHÒNG THU ÂM HI-END CLASS A

Địa chỉ: 239/12 Nguyễn Duy Trinh, Phường Bình Trưng Tây, TP Thủ Đức ( Khu Biệt thự riverside)

Hotline: 0916 666 657

info@nguyenducmusic.com

www.nguyenducmusic.com

Bài viết cùng chủ đề:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *