Ca khúc “Còn Tuổi Nào Cho Em” và dòng chảy suy tư về tình yêu của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
“Còn Tuổi Nào Cho Em” là một tình khúc bất hủ được nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn sáng tác năm 1964. Có thể nói mỗi sáng tác của ông đều chất chứa những suy niệm riêng về cuộc đời, miêu tả chân thật, sinh động thân phận của một con người. Với riêng ca khúc “Còn Tuổi Nào Cho Em“, cả bài hát là một nỗi niềm hoài niệm, một niềm thương đặc biệt dành cho cô gái của ông. Điều đó được thể hiện qua từng lời thư dịu dàng, nâng niu mà vị nhạc sĩ đa tình họ Trịnh dành tặng cho cô gái người Huế mang tên Dao Ánh.
Có lẽ đây là mối tình dai dẳng và sâu nặng nhất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ông chắp bút sáng tác tình khúc này khi ông chỉ mới 25 tuổi. Nhưng ở lứa tuổi này, những suy niệm, mỹ cảm của ông về tình yêu, tuổi trẻ, cuộc đời đã đạt đến độ chín mùi, trĩu nặng. Một trong những điều làm nên tài hoa và duy nhất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nằm ở những lời ca dịu dàng mà sâu sắc, tinh tế, chất chứa niềm yêu thương vô bờ bến của ông dành cho cô gái này.
“Ánh có buồn lắm không. Hãy ngước mắt lên cho anh nhìn. Mây sẽ kết trên vùng mắt đó. Anh đã nói như thế trong lời ca Còn Tuổi Nào Cho Em cho Ánh, Ánh có bằng lòng thế không Ánh?” (thư Blao, 31.12.1964) – Đây là những lời đầy dịu dàng, yêu thương được trích từ một trong 300 bức thư tình của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết gửi người ông yêu. Bức thư đầu tiên được ông viết ở Blao (Lâm Đồng) gửi về Huế cuối thu 1964 đến bức thư cuối cùng gửi từ TPHCM ra nước ngoài vào tháng 1/2001, trước lúc ông qua đời vài tháng (01.04.2001).
Tất cả đều chỉ gửi đến một người con gái mà ông yêu từ năm cô ấy 15 tuổi – Ngô Vũ Dao Ánh. Dao Ánh chính là người tình đã tác động mạnh mẽ đến việc thai nghén và ra đười hàng loạt những tình khúc để đời trong suốt quãng đời âm nhạc của vị nhạc sĩ họ Trịnh. Bên cạnh ca khúc “Tuổi đá buồn”, “Mưa hồng” và các ca khúc khác, “Còn Tuổi Nào Cho Em” cũng không là ngoại lệ.
“Còn Tuổi Nào Cho Em” là ca khúc đầy nỗi niềm trăn trở, nhớ nhung mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết cho Dao Ánh trong thời kỳ đầu 2 người trao đổi tình cảm qua những bức thư.
Tuy ca khúc “Còn Tuổi Nào Cho Em” không đề cập nhiều về tình yêu, nhưng người nghe có thể cảm nhận được trong lòng vị nhạc sĩ lúc đó chất chứa một nỗi băn khoăn mơ hồ về tương lai của mối quan hệ sẽ đi về đâu, khi bức tường ngăn cách của 2 người lúc đó chính là vấn đề về tuổi tác.
Khi tình yêu của 2 người vẫn đang trong thời kỳ bí mật và e ấp thì những cánh thư tình chính là nhân chứng cho nỗi nhớ, niềm thương của vị nhạc sĩ đa tình dành tặng cho người thương tuổi 15 của mình.
“Tuổi nào nhìn lá vàng úa chiều nay
Tuổi nào ngồi hát mây bay ngang trời
Tay măng trôi trên vùng tóc dài
Bao nhiêu cơn mơ vừa tuổi này
Tuổi nào ngơ ngác tìm tiếng gió heo may…”
Chúng ta có thể thấy cụm từ “tuổi nào” được lặp đi lặp lại ở mỗi đầu câu của bài hát có chăng là dùng “tuổi” để nói ra tiếng lòng thay cho “con người”. Cách chơi chữ đầy tinh tế của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được thể hiện qua từng câu từ để thể hiện rõ nỗi niềm bâng khuâng, trăn trở của ông về mối quan hệ không có hình hài cụ thể.
“Tuổi nào” ở đây chỉ còn là em của tuổi 15, anh của tuổi 25. Lắng nghe ca khúc “Còn Tuổi Nào Cho Em”, khi những câu hát đầu tiên được vang lên bởi giọng hát trầm buồn, sâu lắng của ca sĩ Khánh Ly, chúng ta phần nào cảm nhận được một cô gái trẻ với mái tóc dài buông xõa.
Trong mắt nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Dao Ánh lúc đó vẫn còn là một cái tuổi 15 ngơ ngác, hồn nhiên. Cô như búp măng non đang vươn mình trỗi dậy, vô tư trong sáng, ôm ấp bao nhiêu ước mơ hoài bão của cuộc đời.
Hẳn một cô gái của tuổi 15 cũng ít nhiều nhạy cảm và sâu sắc để có thể đồng hành, bầu bạn suốt nhiều năm liền với chàng nhạc sĩ họ Trịnh lớn hơn mình tận 10 tuổi, già dặn hơn mình nhiều trong suy nghĩ, lại sớm mang nhiều tâm tư trĩu nặng.
Những ca từ trong bài hát “Còn Tuổi Nào Cho Em” đã thể hiện rõ nét tinh tế của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khi nghĩ về hành trình cuộc đời của một người phụ nữ.
Ông hiểu rằng thời gian trôi nhanh như một cái chớp mắt, một thoáng ngơ ngác khi cơn gió heo may về, chợt nhận ra con người cuối cùng cũng chỉ là một tạo vật của thiên nhiên, rồi cũng sẽ đối diện với quy luật của lẽ đời, như chiếc lá vàng úa, như thoáng mây bay nhẹ trôi ngang trời. Có một buổi chiều nào đó, con người nhạy cảm trước những đổi thay, dõi mắt trông theo một thời thanh xuân thơ trẻ.
Phụ nữ thường hay ngoái đầu nhìn lại, tiếc nhớ thời gian, không khỏi chạnh lòng khi nhớ về mình của những năm tháng đó, chợt nhận ra mình chẳng còn là người thiếu nữ “ngồi hát mây bay ngang trời” với “đôi tay măng”, “vùng tóc dài”. Lời hát vương chút ngơ ngác của kẻ tỉnh dậy đã thấy mình đi qua cuộc đời tựa hồ một giấc chiêm bao.
Chỉ với câu hát “Tay măng trôi trên vùng tóc dài”, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã bộc lộ cho người nghe thấy mỹ cảm về cái đẹp của mình và nét tinh tế vượt trội được thể hiện qua ngôn từ mà ông sử dụng.
Như một chàng họa sĩ tài ba, đa tình, chỉ bằng vài ba nét bút tinh tế đã khắc họa bức tranh tuyệt đẹp của người con gái ông yêu. Chỉ một câu hát giản dị nhưng người nghe có thể cảm nhận cả một bức chân dung nàng thơ của ông được phác họa bằng chính nỗi nhớ niềm thương của Trịnh.
Cũng như bao cô gái nhỏ chớm tuổi trăng tròn, nàng thơ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng chạm ngõ vào đời bằng nét ngây thơ, trong sáng, vô tư lự, ôm ấp những mộng mơ một thời thiếu nữ.
Nét tinh tế trong ngôn từ được thể hiện qua từ “tay măng” nõn nã, như búp măng non chưa từng va chạm với cuộc đời. Chẳng phải là “mái tóc dài” mà là cả một “vùng tóc dài” đã chiếm lấy tâm trí của chàng trai tuổi 25.
Trong mắt một chàng trai đang yêu, mái tóc của nàng thơ như một vùng trời đen sâu thẳm đầy mê hoặc. Và chỉ với một từ “trôi” là điểm sáng đắt giá, chúng ta dễ dàng mường tượng được bức tranh một nàng thơ đang vô định vuốt mái tóc đen dài, suôn mượt của mình và bâng khuâng nhìn về “chiếc lá vàng úa” rơi xuống mỗi khi chiều phủ bóng, nhìn về áng mây bay ngang trời mà miên man với hồi ức.
Bằng sự thấu hiểu tinh tế của mình, ông biết rằng lứa tuổi 15 là độ tuổi bắt đầu trải nghiệm những cảm xúc buồn, tĩnh lặng, nhạy cảm hơn với những đổi thay của đời sống, nghĩ ngợi nhiều hơn, mơ mộng cũng nhiều hơn.
Bởi ông hiểu, đời sống tâm hồn của một con người thường bắt đầu trỗi dậy ở lứa tuổi này, tâm lý sẽ thay đổi thất thường. Nỗi băn khoăn, day dứt nhất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn về mối quan hệ này được bộc lộ rõ qua từng câu hát trong tình khúc “Còn Tuổi Nào Cho Em”.
Với tâm hồn nhạy cảm của một nghệ sĩ, ông có thể cảm nhận được rất nhanh những thay đổi của người mình yêu thương. Ông lo rằng Dao Ánh cũng chỉ là một cô gái nhỏ. Nhỏ tuổi như thế, chắc chắn cũng sẽ còn rất bồng bột, có thể thay đổi bất cứ lúc nào.
Nỗi niềm cảm thông dành cho thanh xuân của một người con gái khiến ông không ngừng day dứt với mối tình này. Điều này thể hiện rõ qua cách ông đặt tên bài hát “Còn Tuổi Nào Cho Em”.
“…Tuổi nào vừa thoáng buồn áo gầy vai
Tuổi nào ghi dấu chân chim qua trời
Xin cho tay em còn muốt dài
Xin cho cô đơn vào tuổi này
Tuổi nào lang thang thành phố tóc mây cài…”
Có lẽ màu của thời gian, vạn vật, những điều tưởng chừng như rất trừu tượng đã được chạm khắc vào những ca từ của tình khúc Trịnh Công Sơn một cách thật thi vị, nồng nàn. Trong ca khúc “Còn Tuổi Nào Cho Em”, ông đã đặt những bước đi của thời gian ấy vào những cuộc tình, vào thanh xuân và cuộc đời của những người phụ nữ.
Có lẽ vì những suy niệm tinh tế, vì tình yêu thương, nâng niu của ông dành cho nàng thơ của mình, nên hình ảnh đôi “vai gầy” luôn được trở đi trở lại trong những tình khúc của ông. Hình ảnh “vai em gầy” cũng từng xuất hiện trong ca khúc Hạ Trắng với lời ca “Gọi nắng trên vai em gầy – đường xa áo bay”.
Ông thương cô gái của mình, ông biết năm tháng chưa bao giờ vì chứng kiến những người phụ nữ đau lòng mà bớt đi một phần khắc nghiệp. Ông lo sợ tương lai chưa kịp định hình mà đôi vai gầy đó phải cõng hết những cô đơn, ông lo những gánh nặng vô hình, hữu hình của đời sống sẽ sa xuống vai áo gầy và đánh mất tâm hồn vô tư, hồn nhiên của người thiếu nữ.
Thời gian lặng lẽ trôi qua nhanh như một cái chớp mắt, rồi những “dấu chân chim” cũng sẽ lặng lẽ ghi dấu trong khóe mắt người thương.
Và nếu điều đó có đến, anh sẽ cầu nguyện cho “tay em còn muốt dài”. Dường như có lúc, chàng trai đang yêu muốn thời gian ngưng đọng để tóc mây của người mình thương vẫn giữ mãi sắc màu của thanh xuân, để hương thơm và vẻ đẹp của mái tóc ấy được vĩnh cửu với thời gian.
Bởi hơn ai hết, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hiểu rằng thời gian luôn là thứ vô tình nhất, đời người rồi sẽ trôi qua, thanh xuân của một người con gái cũng theo đó mà qua đi. Ông chỉ xin cho “tay măng” đó vẫn mãi “muốt dài” để người con gái của ông dù thế nào vẫn sẽ mạnh mẽ, kiêu hãnh vươn lên và yêu lấy đời sống này.
Trong sự dịu dàng, tinh tế dành cho nàng thơ mà mình yêu, chàng nhạc sĩ tuổi 25 vẫn không quên thổ lộ lòng mình ở lời hát “Xin cho cô đơn vào tuổi này, tuổi nào lang thang thành phố tóc mây cài”. Trái ngược với ý nghĩa một tình yêu cao thượng, Trịnh Công Sơn xin được yêu cô gái ấy, xin em hãy còn “cô đơn” vào tuổi ấy để tôi còn có cơ hội được đến bên em.
Đến câu hát này, người nghe dễ dàng cảm nhận được sự lấn cấn, trăn trở về chênh vênh tuổi tác, chênh vênh cả về khoảng cách tâm hồn. Khi mình thì đã sớm già dặn ở tuổi 25, người con gái mình thương thì vẫn đang giữ nét trong sáng, hồn nhiên, ôm những mộng mơ của lứa tuổi 15 trăng tròn.
Chàng nhạc sĩ không mong cô gái ấy sẽ nhận lời thương khi cô ở lứa tuổi phơi phới như hiện tại. Anh chỉ mong đến độ tuổi “tóc mây cài”, khi “tay măng” không còn tròn đầy, khi dấu chân chim đã ghi dấu trên khóe mắt cô và quan trọng hơn cả là khi cô gái ấy đã trưởng thành hơn, tương đồng với độ tuổi của anh để anh có thể được bầu bạn, được làm tri kỷ với cô.
Khúc tình ca “Còn Tuổi Nào Cho Em” được xem như những lời thổ lộ tình cảm, tâm tư một cách tinh tế, kín đáo của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn dành tặng cho nàng Dao Ánh.
“…Em xin tuổi nào
Còn tuổi nào cho nhau?
Trời xanh trong mắt em sâu
Mây xuống vây quanh giọt sầu…”
Nàng giai nhân Dao Ánh được phác họa trong bức tranh tình yêu của Trịnh Công Sơn không mang một nét đẹp lộng lẫy ngỡ ngàng.
Cô thường mang một nét đẹp đượm buồn, mơ hồ, nép mình trong cơn mơ ký ức lúc xưa mà không thể nắm bắt với một chuỗi những nét bút đầy ấn tượng “đôi mắt sâu”, “vai gầy”, “mái tóc mây cài”, “những ngón tay muốt dài”.
Lời hát “Em xin tuổi nào, còn tuổi nào cho nhau?” như bộc lộ rõ mong muốn của chàng trai đang yêu.
Có những lúc, chàng trai Trịnh Công Sơn muốn san sẻ một ít tuổi đời của mình để mong được rút ngắn khoảng cách chênh vênh về tuổi tác, để anh có thể san sẻ những trăn trở trong tâm hồn của cô và được gần hơn với người mình yêu thương.
Câu hát này cũng như một câu hỏi đầy ưu tư mà anh dành cho nàng Dao Ánh của mình. Liệu nàng sẽ chọn “tuổi măng” hay “tuổi dấu chân chim”, cho dù nàng chọn như thế nào thì cả khoảng trời của anh cũng đã nằm trọn trong đôi mắt sâu của nàng.
Dù nỗi sầu có cuốn lấy nàng, anh cũng sẽ là đám mây “vây quanh giọt sầu” và lau khô những giọt nước mắt.
Ca khúc “Còn Tuổi Nào Cho Em” như suối nguồn bất tận những cảm xúc, ký ức, hình ảnh, tâm tư của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn dành cho người con gái ông thương. Người nghe sẽ rất dễ đắm chìm vào những lời ca đượm buồn ấy, dễ dàng cuốn theo những nỗi niềm đầy nâng niu, trìu mến của ông bằng chuỗi những hình ảnh liên tưởng trừu tượng nhưng dễ cảm.
Khi đặt bút viết “Còn Tuổi Nào Cho Em“, ông và Dao Ánh đang trải qua những ngày có khoảng cách địa lý rất lớn. Ông không thể đến thăm cô, chỉ có thể ghé thăm tâm trí của cô qua những cánh thư tình, qua những nốt nhạc, phím đàn.
Trong sự chờ đợi mỏi mòn cùng những linh cảm về một mối tình tuyệt vọng, “hư vô”, ông đã thốt lên:
“…Em xin tuổi nào
Còn tuổi trời hư vô
Bàn tay che dấu lệ nhòa
Ôi buồn!
Tuổi nào ngồi khóc tình đã nghìn thu
Tuổi nào mơ kết mây trong sương mù
Xin chân em qua từng phiến ngà
Xin mây se thêm màu áo lụa
Tuổi nào thôi hết từng tháng năm mong chờ”
Đến cuối cùng thì tất cả cũng chỉ còn lại những hoài niệm tiếc nuối. Trong dòng cảm xúc tuyệt vọng, mông lung cùng nỗi nhớ người yêu quay quắt, dài đằng đẵng, ông đã viết nên ca khúc “Còn Tuổi Nào Cho Em“.
Bài hát như một sự đan xen tương phản giữa tuổi trẻ của cô gái và tuổi vào chiều của chàng nhạc sĩ tuổi 25. Anh trăn trở những suy tư liệu sẽ có thể đến bên và dành cho em những năm tháng của “tuổi nào”. Anh từng ước sương mù có thể kết thụ lại thành mây, để anh có thể thấy “bước chân em qua từng phiến ngà”.
Anh cũng xin “mây se thêm màu áo lụa” để thỏa nỗi nhớ mong. Đâu ai đánh thuế được giấc mơ, nhưng mơ rồi sẽ tỉnh, mộng ước tan đi, quay về thực tại, anh chua xót, tuyệt vọng mà thốt lên “Tuổi nào thôi hết từng tháng năm mong chờ”.
Có lẽ những bản tình ca bất hủ đã chiếm lĩnh gần như trọn vẹn sự nghiệp âm nhạc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Tình yêu là đề tài lớn và ảnh hưởng nhất trong các tác phẩm của Trịnh Công Sơn. Những khúc tình ca nhạc Trịnh chiếm đa số trong danh mục nhạc phẩm của ông.
Như Bửu Ý – người bạn thân thiết của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng chia sẻ: “Tình yêu, với Trịnh Công Sơn, là diễm tình. Trước hết là phải đẹp, đẹp trong từng lời bội bạc, bước chân quay gót, trong dang dở và tan vỡ. Sẽ không có mối tình rách rưới hay nhầy nhụa, sẽ không có mối tình than khóc lâm ly, sẽ không có luôn cả đau khổ, hoặc nếu có chăng nữa thì đó là một nỗi đau khổ đã đành, dành sẵn…”
Cùng Nguyễn Đức Music lắng nghe ca khúc “Còn Tuổi Nào Cho Em” – nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tại đây
- Nguyễn Lịnh Nhân Đức, Chu Tắc Nhân – Vụ phó V7 Văn Phòng Chính Phủ, Lê Mạnh Tuấn – Vụ Trưởng Vụ Quan Hệ Quốc Tế VP Chính Phủ, Nguyễn Duy Linh – Sĩ Quan Bộ Công An
- Nhạc Sĩ Nguyễn Đức Nói Lời Tiễn Biệt Giáo Sư Tô Văn Lai 08-03-2022
- Ca sĩ Duyên Quỳnh – Quán quân Người Kể Chuyện Tình 2019 chiếm trọn trái tim khán giả bằng giọng hát ngọt ngào
- Nguyễn Lịnh Nhân Đức – Đánh Thức Tiềm Năng Robot Biển Việt Nam
- 01. Huyền thoại Trịnh Công Sơn và những tình khúc bất hủ