03. “Cát Bụi” và triết lý nhân sinh trong ca từ nhạc Trịnh

“Cát Bụi” – Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và triết lý nhân sinh trong ca từ nhạc Trịnh

Có lẽ với những ai yêu nhạc Trịnh hoặc đã từng đắm mình vào những khúc Trịnh ca, sẽ không thể nào quên được những nét đặc trưng chỉ có ở nhạc của ông. Ở nhạc Trịnh, ta không chỉ bắt gặp những băn khoăn, hoang hoải về một kiếp người ngắn ngủi, tuân theo lẽ đời vô thường và quy luật sinh lão bệnh tử bất di bất dịch của cuộc sống.

Ta còn bắt gặp những ca từ tha thiết đến cuồng nhiệt yêu thương. Những trăn trở đó đưa thổi hồn vào nhạc Trịnh một cách nhẹ nhàng, lãng đãng như hơi thở, hư hư, ảo ảo nhưng lắng đọng lòng người.

Người ta vẫn thường nói với nhau, mỗi khi thả hồn mình trong giai điệu êm đềm, nhẹ nhàng của những khúc Trịnh ca, cũng là lúc người ta suy ngẫm nhiều hơn, thấm hơn sự đời phiêu bạt.

Trong vòng xoáy của một kiếp người, chắc hẳn ít nhất một lần trong chúng ta sẽ có những câu hỏi xoay quanh: ta là ai trong cuộc đời, cuộc đời mình sẽ đi về đâu? Khi nghe “Cát bụi” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, chúng ta đều sẽ cảm nhận được tâm tư đó.

Ca khúc Cát bụi Trịnh Công Sơn
Ca khúc Cát Bụi của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Ca khúc “Cát Bụi” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn dường như ẩn chứa tất thảy những day dứt, băn khoăn về một kiếp người ngắn ngủi, sinh ra và ra đi trong gang tấc. Và một sự thật rằng, lẽ đời thì vô thường mà con người chỉ là hữu hạn trong thế giới rộng lớn đến vô hạn.

Mỗi chúng ta lớn lên, mỗi người sống một cuộc đời của riêng mình nhưng dù là ai, chúng ta cũng chỉ là một hạt bụi nào đó lửng lơ trong vũ trụ bao la, được tái sinh thành kiếp người và mang một số phận.

Những ca từ thấm thía triết lý nhân sinh trong bài hát Cát bụi Trịnh Công Sơn
Những ca từ thấm thía triết lý nhân sinh trong bài hát Cát Bụi Trịnh Công Sơn

Với triết lý đó, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn không đem đến một mối u buồn, tuyệt vọng. Ở những ca khúc của ông nói chung và ca khúc “Cát Bụi” nói riêng, luôn ánh lên niềm hạnh phúc nhẹ như mây trôi.

Những khúc Trịnh ca luôn hàm chứa hỉ nộ ái ố yêu biệt ly nhưng với một cách hóa giải thành ca từ nhẹ nhàng, dung dị, đầy chiêm nghiệm. Để từ đó, người nghe cảm nhận được từng hơi thở cuộc đời ý nghĩa, sống trọn vẹn và yêu lấy cuộc đời mình.

“Mỗi bài hát đều bắt nguồn từ một duyên cớ nào đó. Có khi từ một câu chuyện không đâu” – Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng chia sẻ như vậy. Trong ấn phẩm số 1 phát hành trên cuốn Tập san Thế giới âm nhạc của Hội nhạc sĩ Việt Nam năm 1998, ông cũng từng trải lòng bài hát “Cát Bụi” được thai nghén, ra đời bắt nguồn từ cảm hứng sau khi xem một đoạn phim và đọc một cuốn truyện buồn.

“Một nỗi buồn hay một điều gì đó gần với sự rời xa ly biệt đang cựa mình thức dậy trong tôi. Tôi lại ra đường tìm một góc quán quen thuộc ngồi. Trên đường trở về nhà, trong đầu bỗng vang lên một tiếng hát. Tôi lập đi lập lại nhiều lần trong đầu, hát thành tiếng khe khẽ. Đến khi về nhà ghi lại thì bài hát đã gần như hoàn chỉnh. Sáng hôm sau mang hát cho một số bạn bè nghe, hầu như ai cũng thích”. 

Ca khúc huyền thoại “Cát Bụi” được ra đời năm 1965, khi ông còn là một thầy giáo trẻ 26 tuổi nhưng bản thân ông đã có những chiêm nghiệm sâu sắc về triết lý nhân sinh trong cuộc đời, những khắc khoải về thân phận con người vô cùng sâu sắc.

Những ngã đường về đời sống, thân phận khác nhau được thổi hồn vào ca từ nhạc Trịnh nhẹ nhàng như hơi thở. Có lẽ bất cứ ai cũng tìm thấy mình trong ít nhiều câu ca của Trịnh.

“Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi

Để một mai vươn hình hài lớn dậy”

Dường như ở nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, ông đã thấm thía và lĩnh hội đủ sâu triết lý nhân sinh của nhà Phật. Ông hiểu được đâu là nguồn gốc của sinh mệnh của con người trong vũ trụ bao la này. Trước khi sinh ra chúng ta là ai và sau khi mất đi chúng ta sẽ đi về đâu? Duy chỉ biết trước một điều rằng, sau khi qua đời, rồi thân xác con người sẽ trở thành cát bụi.

Đó là những câu hỏi khắc khoải của một sinh mệnh nhọc nhằn tìm câu trả lời cho một kiếp người của mình. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã đưa ra câu hỏi và mở ra câu trả lời ngay từ đầu bài hát.

Có lẽ trước khi sinh ra, chúng ta chỉ là một hạt bụi vô danh được tái sinh và mang theo một số phận cần phải vượt qua. Đời đời kiếp kiếp, vòng xoay luân hồi vẫn cứ xoay chuyển như thế. Nhưng tạo hóa đã ban cho ta một đời sống, cát bụi đã sống dậy làm người, hạt bụi “vươn hình hài lớn dậy” để sống một kiếp người.

Mỗi kiếp người chúng ta trải qua đã là một sự kỳ diệu của tạo hóa. Con người đến với cuộc đời để nếm trải hỉ nộ ái yêu biệt ly, cũng như một chuyến du ngoạn, một hành trình thú vị mà thôi. Vậy nên, dù có là một “hạt bụi” hóa thành thì kiếp sống này nhất định cũng rất đáng:

“Ôi cát bụi tuyệt vời

Mặt trời soi một kiếp rong chơi”

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và những ca khúc của ông để lại cho đời sống mãi với thời gian
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và những ca khúc của ông để lại cho đời sống mãi với thời gian

Những ca từ nhẹ nhàng của “Cát Bụi” cứ thế được cất lên một cách nhẹ nhàng, không mảy may oán hờn thân phận. Bởi nếu cuộc đời đã ngắn ngủi như một cái chớp mắt, như giọt sương tan, như mây hóa thành giọt mưa, vậy tại sao ta không đón nhận nó một cách khác. Và dường như, Phật Giáo là tư tưởng ảnh hưởng nhiều đến chất nhạc Trịnh Công Sơn.

Ông đã từng trải lòng rằng: “Phật Giáo là một tôn giáo mang tính hiện sinh nhất. Đó là một đơn vị thời gian siêu nhỏ – chữ sát – na. Ông khuyên con người cần phải sống hết mình với sát-na của hiện tại. Từ ăn, uống, đi đứng, nằm ngồi, đó là Thiền. Thực tập cách sống như thế chính là thái độ sống, hài lòng với hiện thực”.

Hãy cứ xem đó là một thoáng vui, một vòng dạo chơi trong cõi vô thường này mà hài lòng với những gì đang hiện hữu, không hoài niệm quá khứ, cũng không tham vọng về tương lai. 

“Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi

Để một mai tôi về làm cát bụi

Ôi cát bụi mệt nhoài

Tiếng động nào gõ nhịp không nguôi”

Dù biết rằng chớp mắt là đã đi qua hết một kiếp người, dù tóc đen hóa tóc bạc và chiếc lá trên cây đến một lúc nào đó cũng phải úa vàng. Nhưng nếu chỉ nghe bằng tai mà không đủ cảm, có lẽ “Cát Bụi” cũng chỉ là một sự bâng khuâng, trăn trở trước một đời ngắn ngủi tựa bông hoa sớm nở tối tàn.

Những khúc Trịnh ca không mang nét bi lụy, tàn khốc, nhạc Trịnh mang một vẻ đẹp đặc biệt, không tỏa sáng rực rỡ thu hút mọi ánh nhìn mà dung dị gần gũi.

Nếu nghe Trịnh bằng cả con tim, bạn sẽ cảm nhận được sự kỳ diệu trong từng lời ca nốt nhạc. Từ đó, ta cảm nhận được rằng, hóa ra “Cát Bụi” không chỉ có thế. Cuộc sống muôn hình vạn trạng với nhiều mảnh ghép khác nhau. Tất nhiên cũng sẽ có 2 mảng sáng và tối và không ai khác ngoài chính bản thân mình sẽ lựa chọn mảng màu đó để sống tiếp.

Mỗi chúng ta đều có quyền lựa chọn mảng sáng cho đời mình, cũng như việc lựa chọn sống một kiếp người ý nghĩa, vẫn luôn hãnh diện và yêu lấy cuộc đời này dù biết rằng ai rồi cũng sẽ trở về với cát bụi.

“Tiếng động nào gõ nhịp khôn nguôi” phải chăng là những nhịp gõ báo hiệu điểm dừng của một kiếp người. Mỗi giai đoạn của một đời người chúng ta đều sẽ cảm nhận một cách hiện hữu nhất nhịp gõ này, nhất là khi về già.

Khi đứng ở triền dốc của sự sống và cái chết, bước gần hơn tới khoảnh khắc “thập tử nhất sinh”, chúng ta sẽ cảm được nhịp gõ báo hiệu của thời gian, của năm tháng ngày một rõ hơn.

Dường như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã thấm thía sâu sắc nhịp gõ ấy qua những trải nghiệm cuộc đời hiếm có của mình. Cùng tâm hồn nghệ sĩ, nhạy cảm trước những thước phim, những biến động cuộc sống, ông đã thổi hồn vào âm nhạc một cách tự nhiên, nhẹ nhàng như hơi thở.

Nhạc Trịnh từ đó mà đồng hành cùng bao thế hệ người Việt, trường tồn mãi theo năm tháng dù đã 20 năm vị nhạc sĩ tài hoa rời bỏ chốn nhân gian.

“Bao nhiêu năm làm kiếp con người

Chợt một chiều tóc trắng như vôi

Lá úa trên cao rụng đầy

Cho trăm năm vào chết một ngày”

Chúng ta có thể cảm nhận được sự tiếc nuối đằng sau 2 câu hát đầu tiên: tiếc cho một kiếp người ngắn ngủi, tiếp một chiều chớp mắt nhìn ra cửa, tóc đã bạc trắng như vôi. Con người được sinh ra với thân xác trần trụi, cất tiếng khóc để chào cuộc đời, đánh dấu những biến động một kiếp người sẽ nếm trải.

Quy luật của sinh lão bệnh tử dường như là một vòng tròn đầy uy lực cuốn lấy con người. Dưới vầng ánh dương soi sáng, có lẽ mọi người đều bình đẳng. Dù có uy quyền, danh vị, nhưng rồi ai cũng sẽ như nhau trong cái vòng tròn uy lực ấy khi kết thúc một kiếp người.

“Mặt trời nào soi sáng tim tôi

Để tình yêu xay mòn thành đá cuội

Xin úp mặt bùi ngùi

Từng ngày qua mỏi ngóng tin vui”

Nhạc của Trịnh cứ thế mà mở ra những suy nghĩ về đời sống, thân phận con người. Với chiêm nghiệm sâu sắc của mình, người nghe Trịnh được sống trong cảm xúc nhẹ nhàng, thâm trầm. Không chỉ trong “Cát Bụi” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, trong bất kì ca khúc nào của Trịnh, tình yêu luôn là ánh sáng kỳ diệu nhất, soi sáng con người bằng tất cả dáng vẻ nguyên sơ, tự nhiên.

Dù cho thân phận con người là mong manh, vô định, nhưng sự tồn tại của con người chỉ có ý nghĩa khi có tình yêu, tình yêu giữa người với người, tình yêu giữa người với đời sống vạn vật. Đặc biệt hơn là tình yêu cho chính thân phận mình.

“Cụm rừng nào lá xác xơ cây

Từ vực sâu nghe lời mời đã dậy

Ôi cát bụi phận này

Vết mực nào xóa bỏ không hay”

Một kiếp người gắn bó sâu đậm với đời sống, trải qua những biến cố, đi qua đầy đủ cửa ải của vòng luân hồi. Nhưng đến thời điểm cuối cùng của đời người, chỉ là những “lá xác xơ cây”, nghe những “nhịp gõ”, nghe lời mời, vẫy gọi từ “vực sâu”. Thấm thoát trôi qua độ xuân thì, rồi sẽ bước sang xế chiều như hoàng hôn muộn.

Có lẽ vì hiểu được điều đó, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã gửi vào “Cát Bụi” niềm khắc khoải muốn nhìn thấu được chân lý của cuộc đời. Chẳng điều gì có thể hoán đổi được quy luật sinh lão bệnh tử ấy vì thế mới có câu hát cuối cùng với một niềm đau đáu khôn nguôi “Vết mực nào xóa bỏ không hay”.

Vết mực ở đây phải chăng là những vương vấn trần tục, những gì đã đi qua thoáng chốc tan biến theo một kiếp người. Phận con người đến từ cát bụi, rồi sẽ về lại với cát bụi.

Tình yêu cuộc sống trong âm nhạc Trịnh Công Sơn
Tình yêu cuộc sống trong âm nhạc Trịnh Công Sơn

Một sự ngậm ngùi, xót xa được vang lên trong câu hát này. Nhưng đâu đó trong những nốt nhạc thâm trầm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, có lẽ ta vẫn tìm thấy nụ cười mãn nguyện hài lòng vì ông đã sống một cuộc đời ý nghĩa. Bên cạnh nhạc phẩm “Cát Bụi” bất hủ, ông đã để lại một gia tài khổng lồ cho nền âm nhạc Việt Nam với hơn 600 ca khúc đi sâu vào lòng người. Vị cố nhạc sĩ tài hoa đã cống hiến cho đời hơn cả những tác phẩm, nó là những cảm xúc thăng hoa và là những chiêm nghiệm sâu sắc về triết lý nhân sinh

Cùng Nguyễn Đức Music lắng nghe nhạc phẩm “Cát Bụi” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tại đây

Bài viết cùng chủ đề:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *