04. Nhạc phẩm “Một Cõi Đi Về” – Một phút suy tư chiêm nghiệm thấm đẫm “sự đời” cùng Trịnh ca

“Một Cõi Đi Về” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với những triết lý nhà Phật sâu sắc

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là một trong những cây đại thụ lớn nhất của nền âm nhạc Việt Nam. Đã 20 năm kể từ ngày cố nhạc sĩ rời khỏi chốn dương gian, nhưng di sản đồ sộ với hơn 600 nhạc phẩm nổi tiếng ông để lại cho đời vẫn trường tồn mãi với thời gian, đi sâu vào lòng những người yêu nhạc.

Nhạc Trịnh mang một sức hút gần gũi cùng một chút lãng du, một chút hư ảo, ca từ buồn man mác khiến người nghe đắm chìm vào không gian âm nhạc Trịnh. Mỗi nhạc phẩm của ông luôn gắn liền với thân phận con người, với tình yêu chân thật và đặc biệt là nó gắn với từng trải nghiệm trong cuộc đời ông, tuyệt phẩm “Một Cõi Đi Về” cũng không ngoại lệ.

Ông đưa tất cả vào những khúc Trịnh ca bằng tất cả lòng chân thành, ca từ giản dị, biến âm nhạc thành chất xúc tác cho sự thăng hoa trong cảm xúc. Có lẽ đó chính là lý do khiến bất cứ ai nghe nhạc của ông đều muốn ôm đàn mà hát như say, mà nghêu ngao với đời.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với hàng trăm nhạc phẩm để lại cho đời
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với hàng trăm nhạc phẩm để lại cho đời

Và nhắc đến nhạc Trịnh, có lẽ khó ai có thể quên được ca khúc “Một Cõi Đi Về”. Bởi những triết lý nhà Phật được nghệ sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn chuyển tải vào bài hát bằng những ca từ sâu sắc, tinh tế, để người nghe thấm hơn về đời, về một kiếp nhân sinh.

Đặc biệt, đây là ca khúc thể hiện rõ nét chiều sâu tâm linh trong con người ông, trong tư tưởng nhạc Trịnh và cũng là nhạc phẩm ông tâm đắc nhất trong sự nghiệp âm nhạc của mình.

Tuyệt phẩm Một Cõi Đi Về và những chiêm nghiệm sâu sắc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
Tuyệt phẩm Một Cõi Đi Về và những chiêm nghiệm sâu sắc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Nhạc phẩm “Một Cõi Đi Về” được sáng tác vào khoảng năm 1974, nhưng đến tận năm 1980 mới có dịp được đến với công chúng một cách rộng rãi. Nữ danh ca Khánh Ly – cặp bài trùng với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn kể từ năm 1967,

Bà từng chia sẻ: “Ông ấy nói với tôi rằng, mỗi con người sinh ra ai cũng có một cõi để đi về. Nên khi còn rất trẻ, ông ấy đã viết Phôi Pha, trong đó có câu “Thôi về đi, đường trần đâu có gì, tóc xanh mấy mùa” để rồi sau này, ông lại viết “Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi”, “Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt”.

Ca sĩ Khánh Ly gắn liền với những tuyệt phẩm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
Ca sĩ Khánh Ly gắn liền với những tuyệt phẩm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

“Một Cõi Đi Về” như một sự lắng đọng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khi chiêm nghiệm triết lý của nhà Phật. Kiếp đời đến tư hư vô cát bụi rồi sống “trăm năm trong kiếp người ta”, đến khi kết thúc cũng trở về với cát bụi hư vô. Dù đi hay về thì cũng chỉ là mỗi cõi vô cùng, vô tận.

Hành trình bất tận của thời gian nhưng hữu hạn của một đời người được ông gợi mở đầy thấm thía, ẩn mật qua ca khúc này:

“Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi

Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt

Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt

Rọi suốt trăm năm một cõi đi về”

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - Một cõi thơ ca, một cõi đi về
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn – Một cõi thơ ca, một cõi đi về

Có lẽ mỗi người nghe ca khúc này lần đầu tiên, đều sẽ cảm nhận được những bước chân vô định loanh quanh từng tháng, từng ngày giữa cuộc đời để đi tìm những ảo thực hư vô.

Chỉ với hai chữ “đi” và “về” đầy bí ẩn, đã đủ cho người nghe cảm nhận được cả một hành trình bất tận.

Đi đâu và về đâu mà khiến đôi chân mỏi mệt đến vậy.  Trong một buổi phỏng vấn nhạc sĩ Trịnh Công Sơn về nhạc phẩm “Một Cõi Đi Về”,

Ông từng trải lòng: “Khi viết bài hát “Một Cõi Đi Về” và nhiều bài tương tự như thế, tôi không phải nhờ đến một bối cảnh ngoại giới nào cả. Đó chỉ là một bài thơ nhỏ tôi muốn hát về một cảnh giới mà trong mỗi người ai cũng có.

Ai cũng có một cõi đi về. Từ hư vô người ta đến với cuộc sống và từ cuộc đời rong chơi một thời gian người ta lại trở về với hư vô. Ai cũng có cõi đi cõi về giống nhau cả nên việc đến và đi tới cuộc đời rồi trở lại hư vô nó không còn hăm dọa con người, không xa lạ với mọi người”. 

Dường như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã lĩnh hội đầy đủ những triết lý nhà Phật và đủ thấm thía để truyền tải ca từ một cách dung dị, đầy tinh tế.

Bởi theo nhà Phật, chốn nhân gian chỉ là một bến đỗ trong kiếp luân hồi mà thôi. Phía trước sự sống và đằng sau sự chết là một cõi hư vô vĩnh hằng, một kiếp người không phải là trạm dừng chân cuối cùng.

Tất cả vạn vật tuần hoàn theo một vòng sinh – trụ – diệt. Thấu hiểu điều này, ông đã mang sự tự tại của tâm thức để ký gửi vào âm nhạc của mình. “Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi” – Một câu hỏi bỏ ngỏ dẫn dắt người nghe vào thế giới đi về một cõi.

Bằng tất cả sự rung cảm trước cuộc đời, ông không truyền tải vào nhạc phẩm “Một Cõi Đi Về” nhiều điều quá cao siêu, xa vời. Ông đã chấp nhận nó như một lẽ tất yếu của cuộc sống và mang đến cho người nghe Trịnh một tâm thế ung dung, tự tại, yêu lấy cuộc đời này vì đời người ngắn ngủi, vô thường.

Bận rộn làm gì, tìm kiếm điều chi ở quá khứ, tương lai mà đánh mất những phút giây hiện tại. “Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt” mà chẳng thế thoát ra, mà để bản thân lạc lối, mệt mỏi ở cõi hồng trần hữu hạn.  Biết dừng lại để tìm sự tĩnh lặng trong tâm hồn, buông bỏ những tham sân si trong cuộc đời, nhưng mấy ai dừng lại được.

Đọc thêm: “Cát Bụi” và triết lý nhân sinh trong ca từ nhạc Trịnh

Không ai có thể đào thoát khỏi “đôi vầng nhật nguyệt” trên đôi vai. Từ lúc nhỏ đến lúc trưởng thành, mỗi người sẽ mang những gánh nặng khác nhau trên hai vai của mình.

Chỉ khi chúng ta thật sự buông bỏ và nhìn cuộc đời bằng một lăng kính khác, thay đổi thế giới quan và cách nhìn nhận những gánh nặng, có lẽ ta mới thật sự tìm được quầng sáng để tự tại bước đi trong cuộc đời.

Ông muốn gửi gắm ở “Một Cõi Đi Về” một vầng sáng xuất phát từ chân tâm để mỗi người không bị những chốn si mê của cõi nhân gian che lấp, suốt trăm năm chẳng thế thoát ra.

Dường như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đang nhìn về cuộc đời bằng tâm thái đầy tĩnh lặng. Tĩnh lặng đến mức có thể nghe được thanh âm của cây cỏ xung quanh, để say quên đời, để những gánh nặng đôi vai đến một chiều cũng nhẹ bẫng như mây bay:

“…Lời nào của cây lời nào cỏ lạ 

Một chiều ngồi say, một đời thật nhẹ ngày qua 

Vừa tàn mùa xuân rồi tàn mùa hạ 

Một ngày đầu thu nghe chân ngựa về chốn xa…”

“Xuân chạy, hạ đi, thu dừng, đông lùi lại” – Xuân hạ thu đông bốn mùa chuyển sắc tuần tự như một vòng tuần hoàn cuộc sống. Trăm năm hữu hạn, hết mùa xuân, tàn mùa hạ là ngập ngừng nửa đời người trôi qua. Rồi đến một chiều thu đông lặng người lắng nghe “tiếng chân ngựa về chốn xa” ngày càng ráo riết, gấp gáp hơn như báo hiệu một điều gì đó cho tương lai.

Thời gian vô tình trôi nhanh như một cái chớp mắt. Một thoáng tuổi trẻ sống với tình yêu đôi lứa, ấp ôm trái tim về một người phương xa, đến độ xế chiều thì “tóc trắng như vôi”, nhìn về ký ức phôi pha.

Dòng chảy đi về trên hành trình của cuộc đời trong nhạc phẩm Một Cõi Đi Về - Trịnh Công Sơn
Dòng chảy đi về trên hành trình của cuộc đời trong nhạc phẩm Một Cõi Đi Về – Trịnh Công Sơn

Các tín hiệu thời gian “một chiều”, “ngày qua”, “tàn mùa xuân, tàn mùa hạ”, “về chốn xa” lần lượt được ngân lên, hội tụ đầy đủ để báo hiệu cho một cuộc hành trình triền miên bất tận với mọi hỷ, nộ, ái, ố ở đời rồi sẽ đến lúc khép lại.

Xoay quanh dòng chảy “đi – về”, ở nhạc phẩm “Một Cõi Đi Về”, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã mở lối nhiều ngõ ngách khác nhau đưa người nghe đến với hành trình yêu thương giữa đời thường. 

“Mây che trên đầu và nắng trên vai

Đôi chân ta đi sông còn ở lại

Con tim yêu thương vô tình chợt gọi

Lại thấy trong ta hiện bóng con người”

Hình ảnh “mây” và “nắng” xuất hiện ở câu hát này gợi lên chiều sâu của tâm hồn nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ông mượn 2 hình ảnh ẩn dụ này để gửi gắm thông điệp muốn truyền tải trong ca khúc “Một Cõi Đi Về”. “Mây che” ở đây phải chăng là những góc tối trong tâm hồn bị che khuất mà mỗi người mà chúng ta chưa nhận ra.

Vậy thì khi nắng sáng chiếu lên vai có mấy ai sẽ nhìn thấy. Con người trở nên nhỏ bé hơn trước những xoay vần của tạo hóa. Chúng ta dễ dàng chìm sâu vào những si mê cuộc đời, bị những hư danh, lợi vinh che khuất ánh sáng trong tâm hồn.

Lắng nghe “Một Cõi Đi Về” với những chiêm nghiệm sâu sắc trong cuộc đời tại đây

Và có lẽ đã đến lúc chúng ta nên chọn giữa tiếng gọi của con tim và lý trí. Bao năm trên hành trình tìm kiếm bản ngã của chính mình, ta bắt gặp cây cỏ, sông suối, đôi vầng nhật nguyệt.

Nhưng chỉ khi chúng ta dành một tình yêu thương, một sự rung cảm cho cuộc đời, rồi sẽ đến lúc “lại thấy trong ta hiện bóng con người”. Trịnh Công Sơn chở đầy những tâm tư và thả hồn chúng vào âm nhạc bằng ca từ da diết buồn về một kiếp nhân sinh:

“Nghe mưa nơi này lại nhớ mưa xa

Mưa bay trong ta bay từng hạt nhỏ

Trăm năm vô biên chưa từng hội ngộ

Chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà”

Trong những nốt nhạc cuối cùng của tuyệt phẩm “Một Cõi Đi Về”, nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn muốn gửi gắm đến sự thanh thản, ung dung, tự tại giữa cuộc đời. Với trái tim đa sầu, đa cảm của một nghệ sĩ, ông luôn tự hỏi “đâu là bến đỗ an lạc thực sự”.

Những rung cảm trước cuộc đời đã thúc giục chính ông đi tìm con đường giải thoát dù có “đi lên non cao, đi về biển rộng. Cũng như trong điếu văn tiễn biệt người nghệ sĩ tài danh này (4-4-2001),

Nhạc sĩ Trần Long Ẩn đã viết: “Tác phẩm của anh được khán giả đón nhận như chính hơi thở của mình. Sự cống hiến của anh về tình yêu đất nước, về thân phận hữu hạn của kiếp người, Trịnh Công Sơn đã vượt lên cả số phận và định mệnh…” . Một buổi chiều hoàng hôn, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ngồi nhìn lại hành trình đi về của mình và rồi viết nên những ca từ da diết:

“Trong khi ta về lại nhớ ta đi

Đi lên non cao đi về biển rộng

Đôi tay nhân gian chưa từng độ lượng

Ngọn gió hoang vu thổi suốt xuân thì”

Khi đi lại muốn về, về lại muốn đi. Ông trăn trở về chuyến hành trình mỗi người cớ gì phải chênh vênh trong vòng xoay tuần hoàn của cuộc đời như thế mà mãi không thể thoát được. Những cửa ải khó khăn vẫn luôn tồn tại như “mây che trên đầu”, “nhân gian chưa từng độ lượng” vì một kiếp người vốn phải đi qua những hỷ, nộ, ái, ố.

Mỗi người có một cõi đi về riêng cho mình. Đến cuối cùng thì thực và mơ, sống và chết, buồn và vui, hạnh phúc và khổ đau cũng sẽ tan theo mây khói, cát bụi lại tái sinh trong cát bụi. Vì vậy, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã gửi gắm vào 2 lời ca cuối cùng của “Một Cõi Đi Về” bằng những ca từ lắng đọng:

“Hôm nay ta say ôm đời ngủ muộn

Để sớm mai đây lại tiếc xuân thì”

Trịnh Công Sơn gửi gắm “Một Cõi Đi Về” đến người nghe như một lời nhắn nhủ ai rồi cũng sẽ đến lúc về với đất mẹ, mỗi người hãy thoát ra khỏi những sân si hờn giận, vượt núi cao biển rộng, vượt lên cả cái tôi ngất trời để không bị mê hoặc bởi những bến đỗ khắc nghiệt của cuộc đời. Bản thân nhạc sĩ cũng đã từng trải lòng về hành trình đưa nhạc phẩm này đến trái tim người nghe:

“Đây là một bài hát rất lạ, thực sự không dễ hiểu vì có những câu trong bài hát bản thân tôi cũng thấy khó giải thích. Viết thì viết vậy nhưng để giải thích thật rõ ràng thật khó. Khi tôi gặp không ít người dù họ học ít nhưng họ lại thích, hỏi họ có hiểu không, họ trả lời là không hiểu nhưng cảm nhận được có một cái gì đó ở bên trong.

Khi nghe, khi hát lên có một điều gì đó chạm đến trái tim mình. Tôi nghĩ trong nghệ thuật điều quan trọng nhất là làm thế nào để mở ra một con đường ngắn nhất đi từ trái tim đến trái tim của người khác mà không cần cắt nghĩa gì thêm”.

Tuyệt phẩm “Một Cõi Đi Về” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn như một nốt lặng chứa đựng bao triết lý thâm sâu của nhà Phật để mỗi người nghe đều sống chậm lại, có một cái nhìn khác về hành trình đi về của cuộc đời mình.

Những bước chân vội vã chậm lại hơn để hiểu thêm sự đời, những ai đang chậm hoặc dừng chân lại nghỉ thì bắt đầu nghĩ nhiều hơn về những điều ý nghĩa trong cuộc sống, sống hạnh phúc trên cái bánh xe vô lượng của kiếp nhân sinh vô thường.

triết-lý-nhà-phật-gắn-liền-với-nhạc-phẩm-một-cõi-đi-về-của-cố-nhạc-sĩ-trịnh-công-sơn
Triết lý nhà Phật gắn liền với nhạc phẩm Một Cõi Đi Về của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Bài viết cùng chủ đề:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *