Cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sĩ Phạm Duy – đại nhạc sĩ tài hoa của nền tân nhạc Việt

Viết về nhạc sĩ Phạm Duy – Dùng âm nhạc để khơi gợi tâm hồn

Nhạc sĩ Phạm Duy (1921 – 2013) là một trong những cây đại thụ của nền Tân Nhạc Việt Nam. Bên cạnh là một nhạc công, ca sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc đại tài hoa, ông còn sở hữu một kho tàng đồ sộ nhạc phẩm bất hủ của âm nhạc Việt với hơn 2000 ca khúc.

Tiêu biểu như khúc “Tình ca”, “Mẹ Việt Nam”, “Đạo ca”, “Con đường cái quan”,… Bằng sự kết hợp khéo léo giữa âm nhạc truyền thống và theo đuổi những phong cách âm nhạc mới, mỗi tác phẩm của ông luôn mang nét chấm phá khác biệt, chỉ có ở nhạc của ông. Ở bài viết này, hãy cùng Nguyễn Đức Music tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của vị nhạc sĩ này nhé!

Tiểu sử và cuộc đời nhạc sĩ Phạm Duy
Tiểu sử và cuộc đời nhạc sĩ Phạm Duy

I. Tiểu sử nhạc sĩ Phạm Duy

Nhạc sĩ Phạm Duy - Đại nhạc sĩ tài hoa của nền tân nhạc Việt Nam
Nhạc sĩ Phạm Duy – Đại nhạc sĩ tài hoa của nền tân nhạc Việt Nam

Nhạc sĩ Phạm Duy tên thật là Phạm Duy Cẩn sinh ngày 5 tháng 10 năm 1921 trong một gia đình văn nhân tại Phố Hàng Cót (Hà Nội) ngày nay. Cha ông là nhà văn Phạm Duy Tốn – được xem là nhà văn xã hội đầu tiên của nền Văn học mới đầu thế kỷ XX.

Có lẽ trong chúng ta ai cũng từng biết đến truyện ngắn “Sống chết mặc bay” – tác phẩm đầu tiên của Việt Nam được kể theo lối Tây phương của văn học Việt Nam. Và tác giả của truyện ngắn này không ai khác chính nhà văn Phạm Duy Tốn.

Anh trai của nhạc sĩ Phạm Duy là Phạm Duy Khiêm – là một văn sĩ hiếm hoi thành đạt rất sớm tại Pháp và sớm trở thành trụ cột gia đình khi ba ông mất (lúc đó nhạc sĩ Phạm Duy chỉ vừa lên ba). Nhạc sĩ Phạm Duy trải qua 4 năm tiểu học và một năm trung học.

Năm 1936, ông được vào học lớp nhất tại trường Thăng Long – một ngôi trường trọng điểm thời kỳ kháng chiến. Đây cũng chính là nơi ông được lĩnh hội và tiếp thu những cái hay cái đẹp của nền văn chương Pháp như Victor Hugo, Alfred de Vigny,… và cả những giá trị văn hóa cổ truyền, cụ thể là âm nhạc dân tộc với các nhạc điệu dân ca Bắc Bộ, những bài ca Huế.

Đó chính là lý do nhạc của ông thường sử dụng những yếu tố nền tảng của âm nhạc cổ truyền kết hợp cùng những kỹ thuật, cấu trúc của nhạc Tây phương, tạo nên một phong cách rất riêng với nhiều tác phẩm lớn có tính đột phá, có sức ảnh hưởng lớn đến nhiều thế hệ.

Ông bắt đầu bộc lộ thiên hướng thích biểu diễn, đánh đàn guitar, đàn mandolin để chơi nhạc Tây Âu, thể hiện giọng hát đượm buồn, nhưng đầy êm ái của mình.

Đam mê âm nhạc của ông trở nên khó khăn hơn bởi sự ngăn cấm của anh trai. Chỉ khi anh trai đi vắng, ông mới có thể ôm đàn và hát. Ông từng trải lòng có những lần bị phát hiện ngay khi ông đang cao hứng đắm mình vào âm nhạc, sau đó cây đàn bị vứt xuống đất và ông phải nhận một trận đòn no.

Nhạc sĩ Phạm Duy với những nhạc phẩm để đời từ kháng chiến ca đến tình ca
Nhạc sĩ Phạm Duy với những nhạc phẩm để đời từ kháng chiến ca đến tình ca

Dù đã có một khoảng thời gian khá dài trước khi bén duyên với âm nhạc, ông từng loay hoay với hội họa, với những công việc khác tại nhiều tỉnh thành như: phụ gánh xiếc, sửa chữa radio,… nhưng đó cũng không làm ông ngừng theo đuổi niềm đam mê của mình.

Ông nhận ra khoảng thời gian làm những thứ khác cũng là cơ hội để ông nâng cao vốn sống và trải nghiệm để biến chúng thành chất liệu đưa vào âm nhạc mặc dù đó không phải là những thứ phù hợp với ông.

Trong giai đoạn lang thang vô định này, cơ duyên bắt đầu đến với Phạm Duy từ lúc ông tự mày mò nghiên cứu nhạc cổ điển, sau đó tập sáng tác mà không trải qua một môi trường âm nhạc chính quy nào.

II. Sự nghiệp

1. Ca sĩ 

Năm 1941 là cột mốc đánh dấu nhạc sĩ Phạm Duy chính thức bén duyên với âm nhạc, nhưng với vai trò phó quản lý và ca sĩ lưu động hát tân nhạc trong gánh hát cải lương Đức Huy. Ca sĩ có lẽ là bước khởi đầu đưa nhạc sĩ đa tài đến với âm nhạc gần hơn, đưa tên tuổi của ông lên hàng những nhạc sĩ lớn nhất của Việt Nam.

Như một định mệnh, suốt những năm tháng rong ruổi rày đây mai đó ở gánh hát, ông đã có cơ hội đặc biệt để đi dọc theo chiều dài đất nước, kết tri âm tri kỷ với nhiều người bạn tên tuổi lớn đương thời. Có thể kể đến như thi sĩ Lưu Trọng Lư, nhạc sĩ Văn Cao, Lê Xuân Ái, Lê Thương,…

Những mối duyên âm nhạc và nghệ thuật dường như đã giúp ông thu thập được rất nhiều chất liệu quý giá, mang đến cho ông nguồn cảm hứng tràn đầy, nạp cho ông nguồn năng lượng mới và độ cảm thụ tinh tế để làm giàu vốn liếng âm nhạc của mình.

Tình bạn giữa nhạc sĩ Phạm Duy và nhạc sĩ Văn Cao
Tình bạn giữa nhạc sĩ Phạm Duy và nhạc sĩ Văn Cao

Đặc biệt, không thể không nhắc đến nhạc sĩ Văn Cao – người bạn thân của nhạc sĩ Phạm Duy từ đời sống đến âm nhạc. Họ cùng soạn nhạc, cùng sáng tác, có lúc gần gũi có lúc cách xa bởi thời thế nên dẫn đến hai số phận trôi nổi khác nhau. “Bến xuân” và “Suối mơ” là hai ca khúc hợp soạn của Văn Cao và Phạm Duy khi họ đang sống chung ở Hải Phòng.

Dù nhạc sĩ Phạm Duy chưa hoàn toàn đi vào sáng tác và chưa trải qua môi trường âm nhạc chính quy nào, nhưng nhờ quá trình lĩnh hội từ sách Tây nên ông rất am hiểu về nhạc lý. Từ đó, ông đã góp ý và chỉnh sửa phần giai điệu của bài hát “Bến xuân” do nhạc sĩ Văn Cao sáng tác chính.

2. Nhạc sĩ đa tài bén duyên với âm nhạc

a. Thời Chiến tranh Việt Nam

sự-nghiệp-sáng-tác-của-nhạc-sĩ-phạm-duy
Sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Phạm Duy

Năm 1942, ông mở lối cho sự nghiệp âm nhạc của mình với “đứa con tinh thần” đầu tiên mang tên “Cô hái mơ”, phổ từ thơ Nguyễn Bính trong thời kỳ phong trào Tân nhạc Việt Nam bắt đầu nở rộ. Ông từng tâm sự rằng: “Tôi đã phổ nhạc bài thơ này vào năm 1942. Đó là bản nhạc đầu tay của tôi cho nên tôi yêu nó lắm”. 

Ca khúc này nhanh chóng được đón nhận bởi ca từ nhẹ nhàng, đa diết, cuốn người xem vào những khung cảnh mà nhạc sĩ Phạm Duy đã vẽ nên. Cho đến năm 1944, ông mới có được ca khúc cho riêng mình cả về nhạc và lời mang tên “Gươm tráng sĩ” gắn với sự tích hồ Hoàn Kiếm. 

Ngày 9 tháng 3 năm 1945, trong một lần đoàn gánh hát Đức Huy đang lưu diễn ở Cà Mau thì ông cùng hai kép bị mật thám Pháp bắt vào nhà tù vì hôm đó là ngày Nhật đảo chính Pháp.

Đến giữa năm 1945, nhạc sĩ chính thức từ giã gánh hát và đầu năm 1946, ông tham gia một lớp huấn luyện quân sự cấp tốc. Ông chính thức trở thành cán bộ văn nghệ của cuộc kháng chiến chống Pháp và trở thành một trong những nhạc sĩ thành công nhất lúc đó.

Những ca khúc ông sáng tác thường mang âm hưởng dân ca quen thuộc.

Ông đã từng chia sẻ: “Tôi nghĩ rằng tôi là người Việt Nam, nếu tôi muốn được gọi là một nhạc sỹ Việt Nam, thì tôi phải làm nhạc dân ca. Đó là chuyện rất giản dị… Tôi phải khởi sự sáng tác của tôi bằng những bản nhạc mang tinh thần Việt Nam và với chất liệu của Việt Nam nữa”. Những ca khúc của ông trong giai đoạn kháng chiến thường là những bài nhạc vui, hào hùng, lạc quan.

Trong suốt hơn 20 năm vào sinh sống tại miền Nam, trước khi đất nước bị phân chia, ông đã sáng tác những ca khúc phản ánh đầy đủ mọi khía cạnh đời sống tình cảm của người dân trong nước, cổ vũ tinh thần yêu nước và hăng say lao động. Không thể không nhắc đến các ca khúc tiêu biểu của ông như “Gánh lúa”, “Đường ra biên ải”,… 

Kể từ năm 1948, ông bắt đầu khai thác những đề tài về mặt trái của cuộc kháng chiến như “Quê nghèo”, “Nhớ người thương binh”, “Bà mẹ Gio Linh”, “Về miền Trung”,…

Tất cả bài hát này của ông đều nhận được sự đón nhận rộng rãi từ quần chúng bởi lẽ qua bài hát, cả những người dân trong những năm tháng kháng chiến ấy đều cảm nhận rõ nét những câu chuyện, hình ảnh của chốn thôn quê, đặc biệt là nỗi thống khổ của người dân quê trong thời chiến.

Tuy vậy, do nhắc nhiều về sự bi, sự khổ và có chất “lãng mạn tiểu tư sản”, nhạc sĩ Phạm Duy bắt đầu nhận sự chỉ trích của cấp trên trong thời chiến.

Đây có lẽ là điều khiến ông thao thức nhiều đêm dài vì bất đồng quan điểm trong sáng tác nghệ thuật. Những năm theo kháng chiến sôi nổi, đầy chất thị dân và nghệ sĩ, để rồi ông lạc bước. Sau nhiều lần bị khiển trách, ông quyết định rời chiến khu về lại thành phố. 

Trước khi về lại Sài Gòn định cư, ông đã dành 2 năm để phổ những câu ca dao đậm chất dân tộc thành một bài dân ca “Nụ tầm xuân”. Ngoài ra, bài thơ “Tiếng sáo thiên thai” của Thế Lữ cùng được ông hòa âm giai điệu thành một bản tango.

Về lại Sài Gòn, năm 1952, ông đã làm giàu kho tàng âm nhạc của mình bằng hàng loạt những ca khúc như “Em bé quê”, “Người về”, “Ngày trở về”, “Tình hoài hương”,…

Những nhạc phẩm để đời của nhạc sĩ Phạm Duy
Những nhạc phẩm để đời của nhạc sĩ Phạm Duy

Khoảng thời gian sau kháng chiến, tình yêu không phải là đề tài được khai thác nhiều trong âm nhạc của ông. Lúc này, ông vẫn dành trọn trái tim cho dân tộc bằng những khúc ca ca ngợi con người, ca ngợi quê hương. Và chính ông là người khởi xướng cho khuynh hướng sáng tác “Tình ca quê hương”.

Ông từng có khoảng thời gian du học Pháp 3 năm (1952 – 1954). Vào lúc các cường quốc vừa chia đôi nước Việt Nam ra thành 2 miền Quốc – Cộng với bản Hiệp định Geneve, bản trường ca đầu tiên mang tên Trường Ca Con Đường Cái Quan được ông ấp ủ từ năm 1954 với mong muốn phản đối sự chia cắt đó. Bản trường ca này gồm 19 đoản khúc với đại đa số bài nằm trong âm giai ngũ cung và có thêm nhạc thuật chuyển hệ.

Sau khi du học Pháp về, ông bắt đầu khai thác sâu các chủ đề về tình yêu đôi lứa, mang âm hưởng dân ca vào những sáng tác của mình và mở ra nhiều cung bậc cảm xúc từ hạnh phúc đến đau khổ, nhớ thương. Không thể không kể đến như “Kiếp nào có yêu nhau”, “Đường em đi”, “Còn gì nữa đâu”,…

Sau đó, ông bắt đầu khai thác sâu sắc hơn về những trạng thái tâm tưởng, về “Tình yêu – Sự đau khổ – Cái chết” chính là 3 điều ông quan tâm nhất trong khoảng thời gian đó như: “Tạ ơn đời”, “Một bàn tay”, “Đường chiều lá rụng”,…

Đặc biệt, trong khoảng thời gian chia đôi đất nước, bằng trái tim của một nghệ sĩ, ông không thể tránh khỏi sự nhạy cảm từ những vấn đề chính trị. Do đó, đến năm 1956, ông bắt đầu sáng tác những ca khúc để mà ca ngợi chế độ mới cũng như là làm tròn cái bổn phận công dân của mình bằng ca khúc “Chào mừng Việt Nam”.

Những sản phẩm âm nhạc tiếp theo cũng hướng về phục vụ cho văn hóa và ca ngợi tự do, lên án sự ràng buộc không thể không kể đến ca kịch “Chim lồng” (1955). Ca khúc này được thu âm trước năm 1975 tại Sài Gòn, do ca sĩ Thái Thanh trình bày.

Có lẽ bằng tình yêu và tài năng âm nhạc của mình, ông đã thật sự “khóc cười theo mệnh nước nổi trôi”. Chắc hẳn đối với những người yêu nhạc Phạm Duy, những khúc ca bất hủ của ông sẽ văng vẳng mãi trong tiềm thức “Tôi yêu tiếng nước tôi/ Từ khi mới ra đời, người ơi”.

Những nhạc phẩm của ông trải dài đằng đẵng một tình yêu sâu thẳm dành cho đất nước, thương nước thương nòi, những số phận kiếp người gắn với tình yêu long đong lận đận đủ để “khóc cười theo mệnh nước nổi trôi”.

Gieo tình yêu quê hương vào âm nhạc - Nhạc sĩ Nguyễn Duy
Gieo tình yêu quê hương vào âm nhạc – Nhạc sĩ Nguyễn Duy

Mệnh nước gắn với những mệnh đời lẻ loi giữa trần thế với đầy những ưu tư. Nhạc sĩ Phạm Duy đưa những tình tình cảm tâm tư đó vào lời hát bằng ca từ thi vị, vang lên cả tiếng lòng phát ra từ giọt buồn vô tận.

Hiếm có một nhạc sĩ Việt Nam nào sở hữu cả một kho tàng âm nhạc khổng lồ, đồ sộ với hơn 1000 ca khúc đa dạng mọi thể loại: từ tình yêu quê hương, tình yêu đôi lứa, cho đến nhạc trong thời kỳ kháng chiến và những bài nhạc tâm linh – tâm tưởng.

Có một thời kỳ, ngoài những khúc ca chính trị, ông còn chùm 10 ca khúc mang những chủ đề vô cùng độc đáo và thu hút người nghe nghe về tâm linh tâm tưởng. Không thể không kể đến như tập nhạc “Đạo ca”, “Tâm ca”, về xã hội có “Tục ca”, “Vỉa hè ca”, “Tâm phẫn ca”, về tuổi thơ như Bé ca,… Hầu hết những tập ca ấy đều đón nhận được sự ủng hộ của công chúng.

Dường như trong những sáng tác để đời của nhạc sĩ Phạm Duy, ông đã rất là khéo léo khi kết hợp tài tình giữa những nét truyền thống trong điệu lý âm hưởng dân ca và phong cách âm nhạc mới hiện đại để tạo nên một sự đột phá lớn trong hầu hết các tác phẩm của ông.

Năm 1963, ông bắt đầu sáng tác khởi sự sáng tác bản trường ca thứ hai mang tên “Mẹ Việt Nam” sau “Con Đường Cái Quan” được hoàn tất trước đó vài năm. Đây là hai bản trường ca nổi tiếng và thành công nhất không chỉ của riêng nhạc sĩ Phạm Duy mà còn đối với làng âm nhạc Việt Nam. Bản trường ca Mẹ Việt Nam mang hình ảnh mẹ Việt Nam vào ca khúc.

Trường ca Con Đường Cái Quan – Bản trường ca đầu tiên của nhạc sĩ Phạm Duy (Nguồn ảnh: nhacxua.vn)

Qua đó, ông muốn gửi gắm thông điệp về tình yêu thương sâu sắc dành cho dân tộc, cho đất nước nói chung và những người mẹ Tổ Quốc nói riêng. Phạm Duy đã từng chia sẻ:

“Bản trường ca ca tụng Mẹ Tổ Quốc và những Mẹ điển hình trong truyền kỳ lịch sử nước nhà, đề tài và cảm hứng nhắm dựa vào tình thương yêu và tính hiếu hòa, tính tình này đã sinh tồn mạnh mẽ trên đất ta và phải được truyền đi trong thế giới tàn nhẫn hiện tại”.

Năm 1965, ông bắt đầu tham gia phong trào Du ca và đi nhiều nơi tại miền Nam Việt Nam để cất lên những tiếng hát nói lên thân phận của tuổi trẻ thời đó. Đây là phong trào gắn liền với các hoạt động xã hội của thanh niên Học sinh sinh viên miền Nam phong trào Du ca bùng lên mạnh mẽ tại Việt Nam vào giữa thập niên 1960.

Bên cạnh nhạc sĩ Phạm Duy, phong trào Du ca quy tụ hàng loạt những ca sĩ có tên tuổi lúc bây giờ cũng như nhiều nhạc sĩ trẻ xuất phát từ phong trào như Ngô Mạnh Thu, Nguyễn Đức Quang,…

Những ca khúc được thể hiện ở phong trào Du ca thường hướng đến ca ngợi tình yêu con người và quê hương đất nước. Nhiều bài hát đã trở nên quen thuộc với công chúng, trong đó có ca khúc “Việt Nam Việt Nam”, “Du ca mùa xuân”, “Trả lại tôi tuổi trẻ” của nhạc sĩ Phạm Duy.

Phong trào Du ca được thành lập với tôn chỉ: “Dùng tiếng hát chung của cộng đồng để tô điểm cho nền văn nghệ dân tộc một màu xanh đầy hy vọng, đưa mỗi người đến gần nhau hơn để cùng lo xây đắp một quê hương tươi sáng”. Ngoài ra, với phong trào du ca Việt Nam, ông đã xuất bản được tập nhạc Hoan ca bao gồm các thể loại: Bình ca, Đồng dao, nữ ca,…

Cuối thập niên 1960 và đầu thập niên 1970 ông cùng các con trong gia đình thành lập ban nhạc “The Dreamers” để tham gia biểu diễn tại các phòng trà, nhà hàng Ở Sài Gòn. Thời điểm này cũng là lúc băng Cassette được thịnh hành. Đó cũng là cơ hội giúp ông có thêm một khoản thu nhập từ bản quyền âm nhạc.

Ban nhạc The Dreamers của nhạc sĩ Phạm Duy cùng gia đình
Ban nhạc The Dreamers của nhạc sĩ Phạm Duy cùng gia đình

“The Dreamers” lúc này trở thành một ban nhạc tiên phong cho phong trào trình diễn ở nước ngoài cùng với những khúc nhạc trẻ và những bài hát nhạc ngoại lời Việt của The Battle, The Rolling Stones,… Cùng với sự tham gia của các con Duy Quang, Thái Hiền, ông đã làm giàu kho tàng âm nhạc của mình bằng những khúc tình ca nhẹ nhàng, lãng mạn, phù hợp với thanh niên sinh viên.

Có thể nhắc đến như ca khúc “Con đường tình ta đi”, “Còn chút gì để nhớ”, “Chỉ chừng đó thôi”… Bên cạnh việc  tự sáng tác nhạc và lời, nhạc sĩ Phạm Duy còn phổ thơ thành công những ca khúc và được đông đảo công chúng đón nhận. 

Vào năm 1973, khi đoạn phong trào nhạc trẻ đang được phát triển lớn mạnh, nhạc sĩ Phạm Duy đã cùng với nhạc sĩ Ngọc Chánh và ca sĩ Thanh Lan trình bày bản nhạc “Tuổi biết buồn” tại đại hội âm nhạc quốc tế Yamaha ở Tokyo.

Bản nhạc này đã được lọt vào vòng chung kết của đại hội. Bên cạnh đó, ca khúc “Tuổi mộng mơ” của ông được thu âm tại Tokyo với giọng ca ca sĩ Thanh Lan. Ca khúc được dịch sang tiếng Nhật là “Yume o Miruno”

b. Thời kỳ ở hải ngoại

Giữa năm 1975, nhạc sĩ Phạm Duy đã cùng với gia đình của ông vượt biên sang Mỹ, di tản qua Hoa Kỳ theo tàu hải quân. Ông cùng gia đình sống tại California, Hoa Kỳ trong suốt 30 năm dài đằng đẵng. Rời xa quê hương rời xa đất nước, ông vẫn tiếp tục phát triển sự nghiệp và niềm đam mê dành cho âm nhạc bằng việc ấp ủ những ca khúc mới với đề tài mới, thể loại mới.

Trong khoảng thời gian đầu, ông đã cùng các con của mình và ca sĩ Khánh Ly đi hát tại các nơi có người Việt xa xứ. Bên cạnh đó, ông cũng dành thời gian để biên soạn cách dạy nhạc và in các băng nhạc để kiếm thêm thu nhập.

Sau khi đã đủ vốn liếng và sự tự tin, ông đã các nghệ sĩ hát nhạc âm hưởng dân ca tại Mỹ hát rong tại những quán cafe, trường đại học, câu lạc bộ ở các thành phố.

Thời kỳ hoạt động âm nhạc ở hải ngoại của nhạc sĩ Phạm Duy
Thời kỳ hoạt động âm nhạc ở hải ngoại của nhạc sĩ Phạm Duy

Sau đó, ông đã cùng với gia đình thành lập gánh hát gia đình mang tên “The Pham Duy family singers” nhận biểu diễn các chương trình ca nhạc và các sự kiện ca nhạc lớn. Ông đã ấp ủ và bắt đầu giai đoạn sáng tác mới với hàng loạt ca khúc trong tổ khúc “Bầy chim bỏ xứ” được thai nghén từ năm 1975 và hoàn tất năm 1990.

Tổ khúc gồm 18 ca khúc nhạc dài ngắn khác nhau nhưng đều thể hiện nỗi lòng của những người Việt phải rời bỏ đất nước và ấp ủ một hy vọng nhỏ vào một ngày được đoàn tụ ở quê hương.

Nỗi lòng ông muốn gửi gắm được thể hiện một cách sâu sắc và đi vào lòng người qua những ca từ ẩn dụ về hành trình ra đi và trở về của đàn chim xa tổ.

Dường như những sáng tác của ông trong suốt các thời kỳ đầu ở hải ngoại tại Mỹ đều nhắc đến hành trình lưu vong của người Việt ở hải ngoại. Đề tài tiếp theo trong những nhạc phẩm của ông là những bài ca đau thương về Việt Nam.

Thế nhưng, vào năm 1982, nhạc sĩ Phạm Duy đã từng chia sẻ rằng “có một sự kiện làm cho tâm hồn tôi lắng xuống”. Sự kiện đó chính là khi ông đọc được tập thơ của thi sĩ Hoàng Cầm. Tập thơ của Hoàng Cầm về niềm yêu quê hương đất nước đã truyền cho ông nguồn năng lượng mới, một nguồn cảm hứng mới khiến ông dừng viết những ca khúc bi thương đau khổ về Việt Nam.

Từ đó, tác phẩm mang tên “Hoàng Cầm ca” ra đời và mở ra một lối đi mới trong âm nhạc của Phạm Duy hướng đến những bản tình ca. Có thể nhắc đến như “Nghìn năm vẫn chưa quên”, “Rồi đây anh sẽ đưa em về nhà”…

c. Trở về Việt Nam và định cư tới cuối đời

Nhạc sĩ Phạm Duy cùng những nghệ sĩ khác trong đêm nhạc Ngày trở về
Nhạc sĩ Phạm Duy cùng những nghệ sĩ khác trong đêm nhạc Ngày trở về

Nhạc sĩ Phạm Duy đã nhiều lần ấp ủ hy vọng một ngày nào đó sẽ trở về Việt Nam nhưng đến ngày 17 tháng 05 năm 2005, ông mới chính thức trở về định cư tại Việt Nam với sự cho phép của chính phủ Việt Nam.

Sự kiện nhạc sĩ Phạm Duy trở về nước để định cư thời điểm đó được báo chí từ trong nước lẫn hải ngoại dành một sự quan tâm đặc biệt.

Trong thời kỳ đó, báo chí Việt Nam cũng đã đưa ra một quan điểm rằng, đây là “nhịp cầu nối người Việt xa xứ về với quê hương”, “niềm vui thống nhất lòng người”. Riêng Phạm Duy, ông chỉ trải lòng đó là một chuyến trở về như “lá rụng về cội”.

Vào một năm sau khi về nước, nhạc sĩ Phạm Duy và hãng phim Phương Nam đã tổ chức đêm nhạc mang tên “Ngày Trở Về” tại nhà hát Hòa Bình, thành phố Hồ Chí Minh.

Đêm nhạc được tổ chức với quy mô vô cùng hoành tráng cũng như có sự quy tụ của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng khác. Sự kiện đặc biệt nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ công chúng và khán giả khi nhạc sĩ Phạm Duy chính là người kể câu chuyện chính xuyên suốt liveshow.

Nối theo sau đó là hàng loạt những đêm nhạc Phạm Duy với quy mô lớn tiếp tục diễn ra ra như “Con đường tình ta đi” (năm 2009), “Mơ giấc mộng dài” (năm 2010) tại nhà hát Hoà Bình tổ chức bởi Hãng phim Phương Nam,…

III. Ca sĩ thể hiện những ca khúc nhạc sĩ Phạm Duy

Đối với những ca khúc của nhạc sĩ Phạm Duy, người trình bày thành công nhất có lẽ là danh ca Thái Thanh. Tên tuổi của bà đặc biệt gắn liền với các nhạc phẩm của nhạc sĩ Phạm Duy.

Danh ca Thái Thanh đã đồng hành cùng những sáng tác của nhạc sĩ Phạm Duy từ những ngày đầu ông viết nhạc. Bà đã biểu diễn và ghi âm hàng trăm bài từ những ca khúc quê hương đến những âm điệu phức tạp và đến cả tình yêu đôi lứa.

Với giọng hát, phong cách hàn lâm trên chất liệu dân ca, giọng ca huyền thoại Thái Thanh có lẽ là sự kết hợp tiêu biểu và phù hợp nhất của tân nhạc Việt Nam xuyên suốt nhiều thập kỷ, đặc biệt là các loại tân nhạc trên hơi thở nhạc dân tộc của Phạm Duy. Ban đầu, giọng ca Thái Thanh được sự huấn luyện của nhạc sĩ Phạm Duy.

Gia đình danh ca Thái Thanh và nhạc sĩ Phạm Duy
Gia đình danh ca Thái Thanh và nhạc sĩ Phạm Duy

Thời gian sau đó, giọng ca của bà thực sự được chắp cánh và thành công vượt bậc, chinh phục hàng loạt giới tri thức lẫn bình dân thời bấy giờ. Bà được coi là “đệ nhất danh ca” của dòng nhạc tiền chiến và những bản tình ca miền Nam giai đoạn từ năm 1954 đến 1975. 

Sau danh ca Thái Thanh, có lẽ không thể không nhắc đến ca sĩ Duy Quang chính là con trai của nhạc sĩ Phạm Duy. Ông là một trong những người trình bày nhiều ca khúc của nhạc sĩ Phạm Duy nhất. Với chất giọng ngọt ngào, tình cảm, ca sĩ Duy Quang được coi là một trong những ca sĩ nổi bật của nền tân nhạc Việt Nam thuộc thế hệ thứ hai.

Ông đã trình bày hàng loạt những ca khúc từ nhạc tình 1954 – 1975, nhạc tiền chiến và nhạc vàng. Tuy nhiên, nổi tiếng nhất vẫn là những bài hát tình ca do chính nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác. Sau khi danh ca Thái Thanh ngưng hoạt động, ca sĩ Duy Quang chính là người tiếp tục dòng nhạc của cha mình với vai trò là trụ cột của những đêm nhạc Phạm Duy.

Ca sĩ Duy Quang thể hiện thành công những ca khúc của nhạc sĩ Phạm Duy
Ca sĩ Duy Quang thể hiện thành công những ca khúc của nhạc sĩ Phạm Duy

Ngoài ra, cũng còn nhiều ca sĩ thể hiện rất thành công dòng nhạc của nhạc sĩ Phạm Duy. Không thể không nhắc đến ca sĩ Duy Khánh đã với những bài hát mang đậm âm hưởng dân ca như “Về Miền Trung”, “Con Đường Cái Quan”, “Nhớ Người Thương Binh”. Danh ca Anh Ngọc thành công với dòng nhạc tiền chiến, nhạc chiến tranh cũng như tình yêu đôi lứa.

Danh ca Anh Ngọc là người đầu tiên trình bày bản nhạc tình ca đến với công chúng và thường thể hiện trong các chương trình thu phát trên đài Sài Gòn. Bên cạnh đó, nữ danh ca Khánh Ly, danh ca Lệ Thu cũng ghi dấu ấn đặc biệt với những ca khúc của nhạc sĩ Phạm Duy.

Danh ca Tuấn Ngọc là giọng hát lớn giai đoạn năm 1975 và đã ghi lại dấu ấn sâu sắc trong lòng những người yêu nhạc với dòng nhạc của nhạc sĩ Phạm Duy như ca khúc “Hẹn Hò”, “Kiếp Nào Có Yêu Nhau”

IV. Nhận xét của các nhạc sĩ, nhà văn khác

  • “Khi người ta cố giữ giọt nước mắt trong lòng hay để nó lăn dài trên má; khi người ta cười nụ nhỏ hay cất tiếng hát to; khi người ta quỵ ngã hay lúc hăng hái dấn bước trên đường; người ta đều có cho mình một câu hát của Phạm Duy” – Nhà văn & Nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn
  • “Ngôi sao Bắc đẩu của âm nhạc Việt Nam, người nhạc sĩ lớn nhất của âm nhạc Việt Nam qua rất nhiều thế hệ” – Ca sĩ Khánh Ly
  • “Phạm Duy bàng bạc trong đời sống âm nhạc miền Nam” – Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
  • “Phạm Duy là một nhà ảo thuật đại tài, khi ông chọn hình ảnh một bà mẹ, một ánh đèn, một quang gánh, một ông sao… và ông thổi vào đó những sức sống, ghi lại trong tâm tưởng người nghe về một khung trời Việt. Hơn nữa, ông làm người nghe thấy mình gần với đất Việt, hồn Việt và khiến họ yêu tất cả những điều đó như trong trái tim tài hoa của ông đang thổn thức hát lên” – Nhạc sĩ Tuấn Khanh
  • “Nhạc sĩ Phạm Duy là một trong những nhà thơ vĩ đại nhất của nền văn học nghệ thuật Việt Nam thời hiện đại” – Nhà thơ Trần Dạ Từ
  • “Như tiếng chuông vọng đến từ hư vô. Như những tia chớp sáng ngời trong đêm tối. Như những tia nắng ấm đầu tiên của một ngày trong mùa Đông giá lạnh. Như những tia nắng chiều rực rỡ của một ngày đầy vui buồn của kiếp sống. Âm nhạc Phạm Duy đã đến trong mỗi cuộc đời Việt Nam như không khí trong bầu khí quyển của ca dao, tục ngữ, của truyện Kiều, của Cung Oán Ngâm Khúc, của Chinh Phụ Ngâm, của ngôn ngữ, của âm thanh, của cảm xúc Việt Nam. Trong đáy lòng của mỗi người Việt Nam, từ đã từng là một thiếu niên trong thời kháng chiến hay đến hôm nay là một thanh niên ở cuối thế kỷ XX, đều mang một dấu vết nào đó còn sót lại của bầu dưỡng khí đã nuôi lớn tâm hồn họ trong gần nửa thế kỷ này.” – Nhạc sĩ Lê Uyên Phương

V. Kết luận

Âm nhạc của ông luôn là sự kết hợp tài tình giữa những điệu thức dân ca và tân nhạc. Đặc biệt là sự hòa quyện giữa một tâm hồn và tinh thần Việt với phong cách âm nhạc Tây phương, hiện đại. Âm nhạc không làm nên trực tiếp của cải vật chất cho xã hội nhưng nó làm nên một nền văn hóa và hồn cốt của cả một dân tộc.

Ông mang tình yêu quê hương vào những bản nhạc bất hủ của mình. Nhạc sĩ Phạm Duy – vị nhạc sĩ tài danh của nước Việt, ông thường chỉ tự nhận mình là “kẻ hát rong thế kỷ”. Nhưng ông đã thực sự góp phần không nhỏ làm nên hồn cốt và tâm thức của người Việt.

Đất Việt cuối cùng vẫn là sự chọn lựa của vị nhạc sĩ đa tài, dù có đi xa nhưng vẫn ấm nồng một miền viễn xứ, một lòng hướng về quê hương xứ sở.

Cùng Nguyễn Đức Music lắng nghe những ca khúc của nhạc sĩ Phạm Duy tại đây

Bài viết cùng chủ đề:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *